BÀI PHỔ BIẾN KIẾN THỨC BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

 

Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đã và đang lan rộng đến một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tính đến ngày 17/9/2023 toàn tỉnh đã ghi nhận 2.601 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, một số địa phương có số ca bệnh đau mắt đỏ cao như: Đạ Huoai 809 ca, Đạ Tẻh 1.112 ca và Cát tiên 305 ca.

Để phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho bản thân, gia đình và cộng đồng chúng ta cần biết đau mắt đỏ là gì? Những triệu chứng và diễn biến của bệnh ra sao để bản thân có cách phòng ngừa bệnh.  

1. Nguyên nhân: Chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ thường là nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc phản ứng dị ứng. Bệnh phát triển mạnh vào mùa hè và mùa thu do thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển và đây cũng là điều kiện thuận lợi bệnh có thể lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch đau mắt đỏ. Bệnh lây lan từ người sang người do virus có sức sống rất mạnh, ngoài việc lây lan trực tiếp thì virus có thể thể tồn tại trên bề mặt các đồ dùng, dụng cụ sau đó lây sang người lành. 

2. Biểu hiện của bệnh:

- Đỏ, ngứa một hoặc cả hai mắt; Cảm giác như có cát trong mắt.

- Mắt có nhiều dử/ghèn; Mi mắt sưng nề, mọng, đau nhức, chảy nước mắt

- Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: Mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch ở sau tai.

Bệnh thường diễn biến lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

3. Cách phòng bệnh đau mắt đỏ:

- Phòng tránh bệnh đau mắt đỏ: Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và sử dụng nước sạch là điều cần thiết. Không nên chạm vào mắt, mũi, hoặc miệng bằng tay không sạch.

- Khuyến cáo của bác sĩ: Sử dụng các sản phẩm để vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày như nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; Cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; Đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

 - Tại cơ quan, xí nghiệp, công sở và trường học, gia đình: Khi phát hiện ca bệnh cần sử dụng xà phòng hoặc chất sát khuẩn để sát trùng các đồ dùng, vật dụng. Không dùng chung các vật dụng sinh hoạt, hạn chế đến nơi đông người…  và thông báo tình trạng bệnh cho cơ quan y tế để có biện pháp xử lý hợp lý. 

- Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm. Khi các trường học, gia đình phát hiện trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ ở nhà tránh lây lan dịch bệnh

Bệnh đau mắt đỏ rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, có những loại nguy hiểm cần điều trị gấp, nhưng cũng có loại nhẹ chỉ thoáng qua mà không cần điều trị. Quan trọng là chúng ta phải biết cách nhận biết những dấu hiệu để chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị thích hợp nhằm tránh những tổn hại về sau. BS Song Hà (Khoa PCBTN)

 

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT LÂM ĐỒNG THỰC HIỆN