TRUYỀN THÔNG TRONG LĨNH VỰC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

 

Thiên tai có nguồn gốc từ thời tiết, thủy văn ngày càng gia tăng, để giảm bớt những thiệt hại do thiên tai gây ra, những hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai đã được thiết lập ở mọi cấp độ, từ phạm vi địa phương đến phạm vi toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy rằng các cảnh báo sớm về thiên tai và công tác thông tin, truyền thông trong công tác này là một thành phần rất hiệu quả trong công tác quản lý và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai xảy ra.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhưng chúng ta vẫn không thể kiểm soát được các tác động của thiên tai có nguồn gốc KTTV. Cho dù các hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai đúng và kịp thời thì ở một mức độ nào đó vẫn có những thiệt hại không thể tránh khỏi. Công tác dự báo, cảnh báo chỉ góp phần làm giảm nhẹ bớt những hậu quả mà thiên tai gây ra. Cũng cần nhận thấy rằng khi có cảnh báo sớm thì không có nghĩa chắc chắn 100% sẽ có thiên tai xảy ra đúng như cảnh báo. Độ chính xác của các cảnh báo còn tùy thuộc vào hiện tượng được cảnh báo và trình độ công nghệ của cơ quan đưa ra cảnh báo.

Bản tin cảnh báo thiên tai thành công khi các cơ quan liên quan đến quản lý thiên tai và người dân ở vùng thiên tai phải: Nhận được bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời và hiểu được nội dung cơ bản của bản tin; tin rằng cảnh báo là có khả năng xảy ra thực sự để có biện pháp chủ động ứng phó; các thông tin dự báo, cảnh báo phải được chuyển tải thông qua nhiều kênh thông tin: từ văn bản hành chính, fax, điện báo, tin nhắn; hệ thông tin công cộng, các kênh truyền thông chính thống; hệ thống thông tin chuyên dùng... để khẳng định tính xác thực của thông tin dự báo, cảnh báo; qua đó chia sẻ với cộng đồng xã hội, các đơn vị chức năng đồng thời tiếp nhận, phản ứng với thông tin dự báo, cảnh báo; quyết định hành động đúng và kịp thời trước và trong khi thiên tai xảy ra.

Người dân sẽ có hành động ứng phó khi và chỉ khi cá nhân họ cảm thấy chính họ có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì vậy, những cơ quan quản lý nhà nước về thiên tai, chính quyền địa phương, cơ quan thông tin đại chúng có những giải thích kỹ hơn cho dân chúng hiểu: Có các thông báo hoặc chỉ dẫn về thiên tai ở các địa điểm công cộng chẳng hạn như trường học, đường giao thông, chợ, công sở,…  

Một số lưu ý trong truyền thông cảnh báo thiên tai

Truyền thông về dự báo, cảnh báo thiên tai là một quá trình đưa thông tin từ trên xuống dưới. Các nhà kỹ thuật làm bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cung cấp cho các cấp quản lý, ra quyết định, phát trên các phương tiện truyền thông rồi tới tất cả mọi người trong xã hội. Thông tin cảnh báo sẽ qua nhiều bước trung gian để tới người dân. Vì vậy, khó có thể đảm bảo tính trọn vẹn tuyệt đối nội dung tin dự báo, cảnh báo trong quá trình đưa tin. Do đó có một số nguyên tắc khi truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai như sau: Giữ đúng nguyên văn thông tin dự báo, cảnh báo, tránh bình luận làm tăng thêm hoặc giảm nhẹ nội dung cảnh báo (giới truyền thông thường có xu hướng bỏ sót các cảnh báo nhỏ - khi khả năng xuất hiện thiên tai chưa rõ ràng; hoặc trầm trọng hóa các bản tin cảnh báo - khi mà thiên tai đã và đang xảy ra). Nêu rõ thời điểm phát hành bản tin cảnh báo, và thời điểm sẽ phát hành bản tin cảnh báo tiếp theo. Truyền thông về dự báo, cảnh báo thiên tai cần hướng đến các đối tượng người sử dụng (ví dụ giới tính, trình độ học vấn, vùng miền,…). Phải có tuyên truyền nâng cao nhận thức trước/trong mùa mưa bão, lũ (ví dụ các bộ phim hình ảnh, các tiểu phẩm truyền thanh về tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường, hoặc các hình thức tuyên truyền không chính thức khác như: mạng xã hội, tin nhắn định danh, tin nhắn viễn thông,...).

Có kênh/hệ thống đưa tin dự báo, cảnh báo một cách cố định, chính thống đối với dự báo, cảnh báo thiên tai (ví dụ bản tin dự báo, cảnh báo bão chắc chắn sẽ được phát trên VTV1 trong mục dự báo thời tiết sau chương trình thời sự trên đài truyền hình, trường hợp thiên tai nguy hiểm, thông tin dự báo, cảnh báo sẽ lên đầu các chương trình, bản tin thời sự. Các bản tin dự báo thời tiết sau tin thời sự trên VOV, mục/cột trong báo viết, mục tin nóng trên báo điện tử về dự báo thời tiết, thông tin thiên tai,…). Trong môi trường phát triển internet sớm và mạnh mẽ, mạng xã hội ở Việt Nam luôn được đánh giá là một trong số các quốc gia sếp trong số các quốc gia đứng đầu trên thế giới về người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết về dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV và các cách phòng chống của đông đảo nhân dân chưa cao. Trong khi truyền thông cảnh báo thiên tai ở Việt Nam chưa có đủ tiềm lực tài chính để tập trung cho tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời chưa tập trung nhiều vào việc hướng dẫn người dân có các phản ứng thích hợp khi có cảnh báo thiên tai/hoặc khi thiên tai xảy ra như hiện nay thì việc tìm một hướng tuyên truyền hiệu quả nhất đó chính là hướng vào thay đổi hành vi cho người tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Cơ quan ban hành bản tin và cơ quan truyền thông phải là một khối thống nhất liên hoàn. Tập trung cho truyền thông thay đổi hành vi: Trước mắt là cần truyền thông về việc hiểu tầm quan trọng của thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; xác định những thông điệp quan trọng trong một bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; xác định những tác động có thể gây ra đối với khu vực, địa bàn cảnh báo từ đó giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Với sự bất thường của nhiều hiện tượng thiên tai có nguồn gốc KTTV, trong nhiều trường hợp khoa học dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV chưa thể dự báo chi tiết và đảm bảo tính chính xác cụ thể ở đâu và vào thời điểm nào (ví dụ hiện tượng lốc tố, dông, sét, lũ quét, sạt lở đất,…). Trong những trường hợp này các cơ quan truyền thông cần có quan điểm tích cực, hiểu đúng bản chất của vấn đề để truyền đạt thông tin một cách chính xác phù hợp với khả năng của khoa học dự báo.

Trên thực tế ở Việt Nam nhiều khi chỉ một vùng áp thấp đã có thể gây ra một đợt mưa lớn đến vài trăm mm. Tại miền Bắc, tác động của không khí lạnh cũng rất khác nhau đối với từng địa phương, và từng thời gian trong năm. Không phải đợt không khí lạnh nào cũng gây ra dông lốc, gây ra biển động mạnh trên vịnh Bắc Bộ và không phải đợt nào cũng có rét đậm, rét hại. Từ đó chúng ta thấy, cần phải có sự cảnh báo cụ thể cho từng địa phương và cần phải có sự hiểu biết nhất định của cộng đồng đối với nội dung mỗi cảnh báo.  

Có thể thấy, thiệt hại của thiên tai phụ thuộc vào chính mức độ nguy hiểm của thiên tai, phụ thuộc vào tính kịp thời, cụ thể của bản tin cảnh báo được đưa ra bởi các cơ quan chức năng và cuối cùng chính là sự đối phó khẩn trương của từng địa phương đối với các thiên tai đó. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thời tiết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa: Cơ quan KTTV, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng và sự tham gia của cộng đồng xã hội.

Nguyễn Bình – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)