Tình hình dịch bệnh mới nổi và Hoạt động phối hợp 

phòng chống dịch chủ động tại Cảng Hàng không Liên Khương

Tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và địa phương đang có nhiều biến động, đòi hỏi sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng và các cơ quan chức năng.

Ngày 05/05/2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu do dịch COVID-19 đã chấm dứt. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT và từ ngày 20/10/2023, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tại tỉnh Lâm Đồng có 2.328 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không có ca tử vong. So với năm 2022, khi ghi nhận 128.215 trường hợp mắc và 120 trường hợp tử vong, tình hình đã được kiểm soát tốt hơn.

Đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ mới nổi gần đây. Tính đến ngày 31/10/2023, Việt Nam đã ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 02 ca nhập cảnh từ năm 2022. Từ tháng 7/2023, đã có thêm 54 trường hợp mới, TP.HCM chiếm đa số với 46 ca. Tại Lâm Đồng, có 02 ca mắc là nam giới, xuất hiện trong cộng đồng đồng tính nam và lưỡng tính nam, nhiễm HIV, giống như các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bộ Y tế Campuchia đến tháng 02/2023, đã ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), 01 trường hợp tử vong. Hiện tại, Lâm Đồng chưa ghi nhận trường hợp mắc và không có ổ dịch trên gia cầm. Tuy nhiên, vi rút cúm A(H5N1) vẫn được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là tại Chợ Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng.

Cuối cùng là tình hình Sốt xuất huyết, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, vẫn đang là mối quan tâm tại Lâm Đồng. Năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 4.672 ca mắc, trong đó có 04 ca tử vong. Trong 10 tháng đầu năm 2023, có 3.954 ca mắc (01 ca tử vong), với huyện Đức Trọng chiếm 22,7% trong tổng số. Đáng chú ý, theo kết quả giám sát véc tơ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, sự lưu hành của muỗi Aedes (gây sốt xuất huyết) tại Cảng hàng không Liên Khương đạt mức 69,5%. Chỉ số này khá cao, đòi hỏi sự duy trì chặt chẽ công tác tổng vệ sinh, loại bỏ vật chứa nước mưa, phun hóa chất phòng chống muỗi định kỳ và các biện pháp phòng ngừa khác.

Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã triển khai nhiều biện pháp truyền thông như cung cấp Pano (tại ga đến quốc tế), video tuyên truyền (tiếng Việt) về triệu chứng, cách phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và sốt xuất huyết trên màn hình truyền thông tại Cảng Hàng không Liên Khương. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ thông tin với các cơ quan, tổ chức tại cửa khẩu và Tổ Y tế Sân bay để cập nhật kiến thức và phối hợp ứng phó với các tình huống dịch bệnh.

Các hoạt động kiểm dịch y tế tại Cảng Hàng không Liên Khương luôn được duy trì. Công tác kiểm tra thân nhiệt hành khách, giám sát côn trùng và dịch bệnh trên các tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh được thực hiện thường xuyên. Các hãng hàng không và Cảng Hàng không Liên Khương cùng nhau phối hợp chia sẻ thông tin ngay khi có ca nghi ngờ hoặc có dấu hiệu về sức khỏe trên tàu bay, để phối hợp điều tra và xử lý kịp thời.

 

  

Pano do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cung cấp

tại Cảng hàng không Liên Khương

Công tác giám sát vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm tại Cảng Hàng không Liên Khương cũng luôn được thực hiện một cách nghiêm túc. Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra và giám sát cơ sở kinh doanh thực phẩm, suất ăn trên các chuyến bay quốc tế. Công tác kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt từ nguồn nước giếng khoan cung cấp cho khu vực cảng cũng được thực hiện định kỳ.

Đối với nhân viên và hành khách, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu. Việc duy trì vệ sinh khử khuẩn nơi làm việc, đặc biệt khi vận chuyển gia súc, gia cầm bằng đường hàng không, là một biện pháp quan trọng. Khuyến khích nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách và duy trì môi trường làm việc sạch sẽ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi mắc bệnh truyền nhiễm nào, họ được khuyến nghị thông báo ngay cho Kiểm dịch y tế tại Sân bay Liên Khương để có sự hỗ trợ và kiểm tra kịp thời.

Tình hình dịch bệnh đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế và địa phương. Tại Cảng Hàng không Liên Khương, sự phối hợp chặt chẽ và những biện pháp hiệu quả đã giúp kiểm soát tình hình và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cảng là chìa khóa để đảm bảo an toàn cho nhân viên và hành khách, cũng như ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm.

Thiên Vân (Khoa Kiểm dịch Y tế Quốc tế -CDC Lâm Đồng)