Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19

và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh

 

Ngày 29/8/2022, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 2296/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

          Nhằm đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho nhân dân theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 8/2022, tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Y tế cấp 294.590 liều vắc xin (trong đó, có 218.790 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2; người từ 18 tuổi trở lên tiêm liều nhắc lại lần 1, lần 2; 71.800 liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và 4.000 liều vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna, mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên).

 

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại huyện Đức Trọng

Tính đến hết ngày 28/8/2022, toàn tỉnh đã tiêm được 161.134 liều, hiện còn 133.456 liều chưa tiêm. Như vậy, số lượng vắc xin còn lại trong tháng 8/2022 trên địa bàn tỉnh là rất lớn, cần huy động toàn thể các lực lượng vào cuộc khẩn trương phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin mới đảm bảo tiến độ tiêm chủng và không để vắc xin quá hạn sử dụng do không sử dụng hết.  

 Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin cho nhân dân trong tỉnh, đảm bảo mọi người dân được tiêm đủ liều vắc xin theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm đủ liều nhắc lại (lần 1, lần 2) cho người từ cho người từ 12 tuổi trở lên, tuyệt đối không để vắc xin hết hạn.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng loạt tổ chức và duy trì các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15/9/2022 (không nghỉ dịp Lễ Quốc khánh và các ngày thứ bảy, chủ nhật) để tăng tốc độ tiêm đủ mũi cơ bản cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022. Đồng thời, hoàn thành sớm nhất việc và tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên (nhân viên y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các doanh nghiệp, khu công nghiệp...) đảm bảo tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

          Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong; tập trung tuyên truyền về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm Covid-19, tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em); các địa phương tổ chức các đội tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư để vận động Nhân dân đồng thuận tiêm vắc xin và đưa con em mình đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Triển khai Chiến dịch “Bảo vệ người có nguy cơ cao trong dịch Covid-19” và phối hợp với ngành giáo dục phát động chiến dịch “Vui trung thu và tựu trường an toàn”.

          Các bệnh viện, Trung tâm Y tế rà soát bệnh nhân nội trú và thân nhân đến khám chữa bệnh tại đơn vị để tiêm vắc xin cho các trường hợp chưa tiêm. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện II Lâm Đồng duy trì điểm tiêm tại chỗ để tiêm hàng ngày cho Nhân dân, cử các đội tiêm chủ động hỗ trợ các trung tâm y tế tiêm tại các điểm cố định. 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức các điểm tiêm tại xã, phường, thị trấn và các đội tiêm lưu động (các điểm tiêm và đội tiêm lưu động bao gồm cán bộ y tế và đại diện chính quyền địa phương, tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể tham gia) để tiến hành tiêm cho Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và tổ chức tiêm cho các trường hợp già yếu, bệnh tật không thể đến các điểm tiêm chủng. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ y tế tuyến dưới triển khai tiêm chủng trên địa bàn; đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Các đơn vị thiếu hoặc thừa vắc xin phải báo cáo ngay về Sở Y tế để kịp thời điều chuyển vắc xin cho phù hợp tuyệt đối tránh để vắc xin không được sử dụng kịp thời, phải tiêu hủy gây lãng phí vắc xin. Đơn vị nào không hoàn thành tiến độ tiêm chủng, để vắc xin hết hạn sử dụng và tỷ lệ tiêm vắc xin trên địa bàn thấp thì giám đốc đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và Nhân dân trên địa bàn. 

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Quán triệt và thực hiện nghiêm giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị. 

Tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch. Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới nổi; tăng cường giám sát, sàng lọc, phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; thực hiện quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy.  

Các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân và đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng phòng chống dịch, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị. Huy động các ban ngành, đoàn thể và người dân tham gia tích cực các hoạt động phòng chống dịch; kêu gọi mọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để ổ lăng quăng, bọ gậy trong và ngoài nhà. 

                                                            Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)