Thực phẩm mập mờ nguồn gốc, hiểm họa tiềm ẩn cho sức khỏe
Với sự phát triển của công nghệ, vận tải và thương mại quốc tế, thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng, song cũng tạo điều kiện cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập, mang theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe người dùng.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc đang trở nên phổ biến trên thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe. Các sản phẩm này thường không qua kiểm định chất lượng và có thể chứa hóa chất độc hại như phẩm màu công nghiệp hoặc chất bảo quản vượt mức an toàn, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính. Nguy hiểm hơn, sự tích tụ các hóa chất này trong cơ thể theo thời gian có thể dẫn đến ung thư, tổn thương gan và thận.
Ngoài ra, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn dễ nhiễm khuẩn do không đảm bảo vệ sinh trong khâu sản xuất và bảo quản. Các vi khuẩn như Salmonella, E.coli... dễ dàng phát triển trong điều kiện môi trường không được kiểm soát, làm gia tăng các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm và viêm ruột, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Những người có tiền sử dị ứng hoặc không dung nạp một số chất như gluten, đậu phộng, hoặc lactose cũng đối mặt với rủi ro cao khi sử dụng thực phẩm thiếu thông tin thành phần. Điều này đặt nhóm trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 600 triệu người bị ảnh hưởng sức khỏe, 420.000 ca tử vong và gần 33 triệu người mất khả năng sống khỏe do vấn đề an toàn thực phẩm.
Bên cạnh nguy cơ sức khỏe, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn gây áp lực kinh tế lớn. Theo Ngân hàng Thế giới, các bệnh liên quan đến thực phẩm gây thiệt hại tới 110 tỉ USD mỗi năm cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Đây là bài toán khó cần sự phối hợp từ nhiều bên để tìm ra giải pháp.
Tầm quan trọng của tính minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm
Hằng năm, Việt Nam ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần. "Thủ phạm" của các vụ ngộ độc được tìm thấy chủ yếu là các vi khuẩn Salmonella, E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus… tìm thấy trong thức ăn.
Điều tra từ cơ quan chức năng cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất không thể cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Điều này phản ánh sự thiếu minh bạch trong nguồn cung ứng nguyên liệu, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và làm giảm lòng tin vào các sản phẩm thực phẩm trên thị trường.
Các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sản phẩm không nhãn mác hoặc giả mạo thương hiệu tràn lan trên thị trường. Dù các sản phẩm này đã bị gỡ khỏi kệ siêu thị hoặc thu hồi, tiêu hủy bởi cơ quan chức năng, nhưng sự thiếu minh bạch về thành phần phối trộn và nguồn gốc nguyên liệu vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, hoài nghi. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về tính minh bạch trong ngành gia vị và thực phẩm.
Theo quy định pháp luật, tất cả sản phẩm được san chia, san chiết, phối trộn hoặc đóng gói lại đều phải ghi đầy đủ thông tin chi tiết trên bao bì, bao gồm thành phần nguyên liệu, hạn sử dụng và quy trình sản xuất để bảo vệ sức khỏe người tiêu dung. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm giá rẻ từ các cơ sở nhỏ lẻ vẫn không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nếu sử dụng lâu dài.
Những vụ việc trên là lời cảnh báo cho người tiêu dùng Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn sản phẩm minh bạch và đạt tiêu chuẩn an toàn.
Để bảo vệ sức khỏe và xây dựng cộng đồng bền vững, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn sản phẩm minh bạch, ưu tiên sản phẩm được sản xuất, đóng gói trong nước, với thông tin rõ ràng trên bao bì và đạt chứng nhận uy tín. Sự tỉnh táo trong mua sắm không chỉ giúp người dùng bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thực phẩm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, minh bạch thông tin sản phẩm trên bao bì, tuân thủ quy định nhãn mác… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dùng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong kỷ nguyên số, mua sắm không chỉ dừng lại ở việc chọn sản phẩm mà còn đòi hỏi người tiêu dùng phải kiểm tra và xác thực để đảm bảo sở hữu hàng chính hãng.
Do đó, minh bạch không chỉ là yếu tố bảo vệ sức khỏe mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm. Sự tỉnh táo của người dùng, sự minh bạch của doanh nghiệp và quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng sẽ góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm lành mạnh, an toàn, đáng tin cậy cho hôm nay và tương lai.
Thái Tuyền (Nguồn Báo Sức khỏe&Đời sống)