TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Ngày 07/5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành công điện số 3617/CĐ-UBND yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế, tình hình SXH trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 904 ca mắc (có 04 ca sốt xuất huyết nặng); Tăng gấp 1,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2023 và tăng gấp 4,3 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm (2019 - 2023).
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh SXH một cách hiệu quả, không để xảy ra tình trạng dịch bùng phát, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm theo dõi giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến SXH Dengue trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp triển khai công tác phòng, chống SXH Dengue trên địa bàn tỉnh một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp.
Tăng cường giám sát dịch tễ bệnh SXH Dengue, thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát. Tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.
Rà soát, có kế hoạch bổ sung, đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc SXH Denuge. Trong đó, lưu ý việc đảm bảo có dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, điều trị SXH Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp triển khai tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống SXH Dengue của mạng lưới cộng tác viên, tổ giám sát...
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống SXH Dengue, đặc biệt về vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH; chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch SXH Dengue để kịp thời định hướng truyền thông trong công tác phòng, chống dịch SXH.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố triển khai công tác phòng, chống SXH Dengue tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong công tác mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất... phục vụ công tác phòng, chống, điều trị SXH Dengue; kịp thời tham mưu, đề xuất đối với các nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).
Tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác phòng, chống SXH, lồng ghép với kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác; thực hiện chế độ thông tin báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách phù hợp để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh SXH và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống bệnh SXH Dengue để kịp thời định hướng truyền thông trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống SXH Dengue tại các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo. Thông qua kênh truyền thông nhà trường, phát huy vai trò của nhà trường, giáo viên với sinh viên, học sinh, cha mẹ học sinh về công tác phòng, chống SXH Dengue trong các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống SXH Dengue theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kịp thời bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia phòng, chống bệnh SXH và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành Y tế.
UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống SXH Dengue trên địa bàn quản lý, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Triển khai các hoạt động phòng, chống SXH một cách thực chất, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng, chống SXH Dengue, đặc biệt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy.
Rà soát, chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống SXH của địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ”; huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH Dengue bằng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Trong đó, tập trung vào các thông tin, khuyến cáo về phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt, hướng dẫn nhận biết sớm các triệu chứng mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế... và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (thông báo khu vực có dịch, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch...).
Trung tâm Y tế Di Linh triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Thái Tuyền – Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)