TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

 

Hiện nay, tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển trong các loại đồ ăn, thức uống; Đặc biệt, tại một số địa phương, nguồn nước sử dụng phục vụ sinh hoạt và ăn uống cho người dân bị thiếu làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hoá, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong tình hình dịp nghỉ Lễ 30/4 - 01/5/2024; Tiếp theo Công văn số 1100/SYT-NVY ngày 22/4/2024 của Sở Y tế về việc thực hiện nghiêm công tác báo cáo; Tăng cường giám sát, đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm và giám sát dựa vào sự kiện nâng cao chất lượng phòng chống dịch bệnh.

Vừa qua, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành Công văn số 1179/SYT-NVY về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (ATVSTP), Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

- Tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tháng hành động vì ATTP năm 2024 theo Kế hoạch số 367/KH-BCĐLNVSATTP ngày 31/3/2024 của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lâm Đồng.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông. Phối hợp với các Báo, Đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin mang tính chất thời sự về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền tác hại của việc uống rượu bia ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện rửa tay, ăn chín, uống chín, uống đủ nước, vệ sinh môi trường; chú ý đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn theo phân cấp quản lý; chú ý nguồn nước được sử dụng để sơ chế, chế biến thực phẩm và dùng uống trực tiếp; Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

- Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; xử lý kịp thời giảm thiểu ảnh hưởng, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.

                                                             Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)