Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế

và giảm thiểu chất thải nhựa trong Ngành Y tế

 

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường y tế, quản lý chất thải y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngày 04/5/2023, Sở Y tế ban hành văn bản số 1236/SYT-NVY về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế và giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, đề nghị các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trường học, công tác vệ sinh an toàn lao động cho các đơn vị y tế trong ngành. Phối hợp với các đơn vị y tế trong ngành, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Quản lý chất thải y tế nguy hại; Chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế học đường; Quản lý hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế và bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Phối hợp với các Đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về về an toàn, vệ sinh lao động, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ của các cơ sở lao động; Quản lý chất thải y tế nguy hại; Chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế học đường; Quản lý hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế và quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục - Bảo hiểm xã hội trong công tác y tế học đường. Theo dõi và đề nghị Công ty cấp nước thực hiện nghiêm túc chế độ nội kiểm lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước theo quy định va tổ chức thanh tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại các cơ sở cung cấp nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục cùng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế trường học để cấp Chứng chỉ hành nghề theo quy định  

Về Công tác quản lý chất thải y tế: Tiếp tục phát động và duy trì phong trào thi đua “Xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” . Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế cho toàn bộ cán bộ, viên chức người lao động trong đơn vị để thực hiện tốt các quy định về quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế: Triển khai thực hiện các quy định về quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế theo quy định;  Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải tại đơn vị đặc biệt là việc phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu trữ chất thải y tế theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Các khoa, phòng, Phòng khám đa khoa khu vực, Trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng các quy định của Bộ Y tế và Kế hoạch số 3876/KH-UBND ngày 26/6/2019 của của UBND tỉnh Lâm Đồng về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

 Khi thực hiện công tác tiêm phòng COVID-19 cho nhân dân, phải triển khai thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung được quy định tại Công văn số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng C0VID-19.

Chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tại đơn vị; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế và Quyết định số 117/QĐ – UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị theo hướng dẫn tại Công văn số 888/HD-SYT ngày 30/10/2019 của Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành: Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.

 Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng, phấn đấu chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.

Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị và là tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường. Bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện chỉ thị. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.

Ảnh minh họa

Đối với Văn phòng Sở Y tế, các Chi cục và các đơn vị y tế hệ dự phòng:  Không sử dụng túi, chai, cốc, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hoạt động khác của cơ quan; thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Tiếp tục phát động phong trào thi đua và vận động mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thực hiện giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy. Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)