TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN

 

Thực hiện Công văn số 11511/UBND-VX3 ngày 27/12/2023 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân năm 2023-2024; Ngày 29/12/2023, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành công văn số 4167/SYT-NVY đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

- Thực hiện giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; tham mưu kịp thời cho Sở Y tế các phương án ứng phó phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn, tránh nguy cơ xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra.

- Hướng dẫn, phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn lấy mẫu và gửi mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

- Hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động tiêm chủng mở rộng: rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ khi có vắc xin; thực hiện giám sát phản ứng sau tiêm; giám sát, điều tra, lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng.

- Chủ động, phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình cung ứng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh; các khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống; chủ động tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin dại; điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại; xử lý ổ dịch; công tác phối hợp liên ngành y tế, thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh dại.

- Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh kịp phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 về việc hướng dãn giám sát và phòng chống bệnh dại trên người.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn

- Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm đến khám và điều trị theo quy định.

- Thường xuyên cập nhật, tập huấn cách xử trí, phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ y tế tham gia khám và điều trị bệnh truyền nhiễm tại đơn vị.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố

- Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải. Huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy”.

- Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra xác minh ca bệnh, lấy mẫu và gửi mẫu bệnh phẩm các trường hợp bệnh truyền nhiễm về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình cung ứng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh; các khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

- Phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, trường học.

Phối hợp với Trung tâm nông nghiệp các huyện, thành phố triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người. Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)