TẦM QUAN TRỌNG CÙA VITAMIN A ĐỐI VỚI TRẺ EM

 

 

Vitamin A có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ từ 06-36 tháng tuổi. Trẻ thiếu hụt vitamin A thường ảnh hưởng thể chất và sức đề kháng của trẻ.

1.Vai trò và tầm quan trọng của vitamin A

Vitamin A là một trong những vi chất quan trọng cần cho sự phát triển của trẻ. Đây là vitamin thuộc nhóm tan trong dầu, có 4 vai trò chính:

- Vitamin A có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển xương của trẻ. Trẻ bị thiếu vitamin A sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

- Vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt, đặc biệt vào ban đêm. Việc thiếu hụt vitamin A sẽ giảm khả nǎng nhìn lúc ánh sáng yếu hay còn gọi quáng gà.

- Vitamin A giúp tăng tiết chất nhầy, bảo vệ các biểu mô giác mạc mắt, biểu mô dưới da, ức chế sự sừng hóa. Nếu trẻ thiếu vitamin A da bị sừng hóa, nứt nẻ và mắt bị khô.

- Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng. Từ đó, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng như: tiêu chảy, sởi hay viêm đường hô hấp…

2. Nguyên nhân gây thiếu vitamin A thường gặp:

 - Do ăn uống: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và chất Caroten (tiền vitamin A).  

- Trẻ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mẹ ăn thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ.

- Nhiễm trùng: trẻ bị nhiễm trùng đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa cũng gây thiếu vitamin A.

- Suy dinh dưỡng thường kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để tham gia việc chuyển hoá vitamin A.  

3. Hậu quả của thiếu vitamin A

Khi trẻ bị thiếu vitamin A, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn về đường tiêu hóa và hô hấp như tiêu chảy, lao, uốn ván, sởi. Ngoài ra, thiếu vitamin A còn làm tổn thương mắt, gây giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể bị thủng giác mạc và nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bổ sung thêm vitamin A cho trẻ ngay.

4. Phòng ngừa thiếu vitamin A

- Bảo đảm ăn uống đầy đủ đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là bổ sung những loại thức ăn giàu vitamin A như gan, trứng, sữa, dầu cá, đu đủ, xoài chín, gấc, cà rốt, khoai lang, các loại rau xanh đậm màu.

- Thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, giàu chất caroten, nhiều đạm, dầu mỡ. Cho trẻ bú mẹ đủ thời gian và chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ nhất là bệnh Sởi.

-  Bảo đảm nuôi dưỡng trẻ từ khi ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Cần sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau cho phong phú và đa dạng, chế biến hấp dẫn và hợp khẩu vị sẽ góp phần làm tăng hấp thu. Ưu tiên các loại thực phẩm giảu vitamin A và caroten. Bữa ăn cần cân đối và có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hoá vitamin A.

5. Khuyến cáo

  Vitamin A rất tốt cho sự phát triển thị lực và hệ miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, nên dùng theo đúng liều lượng khuyến cáo để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Bạn cũng đừng quên lưu lại những loại thực phẩm giàu vitamin A cho trẻ để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, việc dùng các loại thuốc bổ vitamin cho trẻ tổng hợp từ tự nhiên cũng sẽ là nguồn bổ sung lượng vitamin rất tốt  cho trẻ.

Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch là cách phòng bệnh tốt nhất

BS Nguyễn Thị Hiến – Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)