PHÒNG CHỐNG BỆNH TẢ

Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả gây ra. Biểu hiện chủ yếu là nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng.  Bệnh tả là bệnh có thể điều trị khỏi tuy nhiên nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn tới hậu quả khó lường không kiểm soát được lây lan rộng ra cộng đồng.

Hiện nay, bệnh tả đã được kiểm soát tốt hơn, tỉ lệ tử vong cũng thấp hơn do kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh được phổ biến rộng rãi . Tuy nhiên, Bệnh tả vẫn xảy ra rải rác ở một số vùng ở nước ta, thường vào mùa hè chủ yếu do thói quen ăn sống, tái, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Đường lây của bệnh

Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, chủ yếu qua ăn, uống. Vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hoá của người lành từ nước uống và thức ăn có nhiễm vi khuẩn tả, đặc biệt là thức ăn có nguồn gốc thuỷ hải sản. Khoảng 75% người nhiễm vi khuẩn tả là không có biểu hiện triệu chứng bệnh, tuy nhiên họ vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7 – 14 ngày. Trong số những người có biểu hiện triệu chứng, 80% là ở thể nhẹ và vừa, 20% có biểu hiện mất nước nặng.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tả

Sốt, nhức đầu, người mệt lả, đau bụng, đầy bụng; Buồn nôn, nôn mửa, lúc đầu nôn ra thức ăn sau nôn ra chất lỏng có màu vàng nhạt. Tiêu chảy liên tục, lúc đầu có phân lỏng sau đó toàn nước, tiêu chảy thường được miêu tả như là "nước vo gạo" và có thể có mùi tanh (đôi khi tiêu chảy ra máu). Biểu hiện mất nước - điện giải, mắt trũng, tay chân lạnh

Các triệu chứng bệnh tả này xảy ra trong 24 giờ đầu sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Thông thường, các triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng và kéo dài khoảng 3 ngày (trong khoảng từ 8 giờ đến 12 ngày).  

Chủ động phòng bệnh tả là biện pháp tối ưu nhất để không có ca bệnh. Để phòng tránh bệnh dịch tả hiệu quả có các biện pháp sau:

  1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
  • Phân và chất thải của người bệnh phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B… vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
  • Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
  • Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.
  1. An toàn vệ sinh thực phẩm
  • Mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống chín.
  • Không ăn rau sống, uống nước lã.
  • Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.
  1. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch.
  • Nguồn nước uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
  • Tất cả các nước ăn uống đều phải đượt sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B
  • Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.
  1.  Khi có người bị tiêu chảy cấp phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

 

BS Quốc Huy – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)