Nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính trước sinh

Lựa chọn giới tính khi sinh là một hiện tượng tiêu cực phổ biến từ những năm 1980 tại một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện rõ rệt trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Nguyên nhân của lựa chọn giới tính khi sinh càng ngày càng rõ rệt, một phần là do tâm lý ưa thích con trai, coi thường phụ nữ vẫn tồn tại trong quan niệm văn hóa của nhiều người. Đáng lưu ý nhất đó là định kiến giới nặng nề trong các gia đình theo chế độ phụ hệ là căn nguyên dẫn đến thực hành lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Ngoài ra, một số thay đổi trong xã hội gần đây cũng góp phần gây mất cân bằng giới tính khi sinh. Chẳng hạn như tỷ lệ sinh thấp thường khiến cha mẹ khó sinh con trai một cách tự nhiên; các công nghệ hiện đại với giá cả phải chăng cho phép việc lựa chọn giới tính khi sinh trở nên khả thi. Nghĩa là đã tước đi quyền sống của những bé gái. Càng lựa chọn sinh con trai thì có nghĩa là vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn rất nặng nề. Hậu quả của bất bình đẳng giới sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề của xã hội: Vai trò của người phụ nữ không phát huy trong sự phát triển của xã hội nói chung cũng như trong gia đình.

Lựa chọn giới tính khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính. Mất cân bằng giới tính cũng kéo theo tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự trị an xã hội… Thậm chí, một số ngành nghề vốn thích hợp với phụ nữ sẽ có nguy cơ thiếu lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, y tá, may mặc…

 

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai/100 trẻ em gái được sinh ra. Con số này cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao.

Theo đó, vào năm 2034, số lượng nam giới trong độ tuổi 15-49 thừa ra sẽ tăng lên mức 1.500.000 và có thể chạm mốc 2.500.000 nếu tỉ số giới tính khi sinh vẫn không giảm.

Đến năm 2040, số lượng nam giới thừa sẽ chiếm 8% tổng số lượng nam giới trong độ tuổi kết hôn (20-39), và sau đó giảm xuống nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cải thiện rất nhanh trong 10 năm tới. Hệ lụy là có nhiều nam giới có thể không lấy được vợ hoặc rất khó khăn trong việc tìm vợ.

Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tạo sự khan hiếm phụ nữ trong tương lai gây thêm áp lực về kết hôn độ tuổi trẻ hơn, tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm buôn bán phụ nữ, bạo hành giới và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Đây cũng là nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt.

Để giảm thiểu lựa việc chọn giới tính khi sinh và các hệ lụy trong tương lai, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thay đổi hành vi, loại bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Bên cạnh đó, cần thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới trong kế hoạch hóa gia đình; đề cao vai trò và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ rào cản về bất bình đẳng giới; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái và có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, quản lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh. (Theo Báo SKĐS)

                                  Thái Tuyền ( CDC Lâm Đồng)