NGĂN CHẶN, KIỀM CHẾ SỰ GIA TĂNG TỘI PHẠMVÀ TỆ NẠN MA TÚY
Thời gian gần đây tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Từ ngày 01/12/2022 đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã khởi tố 353/637 bị can phạm tội về các tội về ma túy (Tăng 39% so với cùng kỳ); Trong đó, chủ yếu là các tội: Mua bán trái phép chất ma túy (86 vụ/155 bị can), tàng trữ trái phép chất ma túy 214 vụ/307 bị can), tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 46 vụ/163 bị can. Đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, thậm chí có trường hợp là cán bộ công chức nhà nước. Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên tăng nhanh, nhiều trường hợp sau cai nghiện bắt buộc, bị Tòa án xét xử về tội liên quan đến ma túy, đang trong quá trình điều trị cai nghiện vẫn tiếp tục phạm tội về ma túy với số lượng lớn, thu lợi bất chính; Trọng điểm ở các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng trên là do nhiều đối tượng không có nghề nghiệp, lười lao động, ham lợi nhuận cao đã phạm tội mua bán trái phép ma túy; bên cạnh đó, một số trường hợp phạm tội, người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương chưa nhận được sự giúp đỡ, động viên kịp thời của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội và gia đình trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; việc khuyến khích, hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng này chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến bị rủ rê, lôi kéo, tiếp tục phạm tội.
Để góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy, ngày 21/11/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 10375/UBND-NC về việc nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy. Theo đó UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; các Kế hoạch của UBND tỉnh: số 7353/KH-UBND ngày 14/10/2023 về thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và số 4960/KH-UBND ngày 07/6/2023 về thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Văn bản số 5368/UBND-VX3 ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm; Đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các hình thức phù hợp khác đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tránh xa tệ nạn ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới phát sinh hiện nay.
Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp kết hợp giữa công tác giảng dạy và triển khai các biện pháp tuyên truyền giáo dục cho học sinh về tác hại của ma túy, các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm, tội phạm về ma túy. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa nhà trường, chính quyền và gia đình để quản lý, hướng dẫn, giáo dục học sinh tránh xa tệ nạn ma túy.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tạo điều kiện cụ thể, thuận lợi trong việc đưa người nghiện đến các Trung tâm cai nghiện; hướng dẫn triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Thực hiện tốt công tác cai nghiện, kết hợp giữa điều trị, giáo dục và lao động. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy, giúp đỡ họ xóa bỏ tâm lý mặc cảm của người nghiện ma túy sau khi trở về xã hội, giúp họ có điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng.
Công an tỉnh Lâm Đồng tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công, xử lý tội phạm và tệ nạn về ma túy; Đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc gắn với việc triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, kiểm soát và nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma túy với 03 tiêu chí “giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại” về ma túy trên phạm vi toàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý tạm trú đối với các đối tượng tại các nhà nghỉ, nhà trọ có biểu hiện nghi vấn mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, có biện pháp răn đe, giáo dục để các đối tượng tự ý chấm dứt tội phạm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: Nhà hàng, quán bar, nhà trọ, khách sạn, karaoke, vũ trường…nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự nhằm phòng ngừa, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn.
Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)