Hưởng ứng Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025
Chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố
Từ ngày 15/4 đến 15/5, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Lâm Đồng triển khai kế hoạch Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 trên địa bàn tỉnh với chủ đề: Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Hiện nay Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 02 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 10 huyện, thành phố (đoàn số 1 do Sở Y tế - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh làm Trưởng đoàn; đoàn số 2 do Sở Nông nghiệp và Môi trường làm Trưởng đoàn). Các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh có sự tham gia đầy đủ của các thành viên có chuyên môn phù hợp và đủ thẩm quyền, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại các cơ sở được kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.
Theo kế hoạch, từ ngày 17/4/2025 các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (gọi chung là cơ sở thực phẩm) tại các huyện/thành phố. Mục đích kiểm tra nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó chú trọng các cơ sở bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống. Nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật An toàn thực phẩm và thông tư của các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Nông nghiệp và Môi trường), kiểm tra việc xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định.
Qua kiểm tra thực tế trực tiếp tại cơ sở, đoàn lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Song song với việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tháng an toàn thực phẩm 2025 cũng sẽ chú trọng vào việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)