Vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả

Bệnh sởi là bệnh lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi

Hiện nay tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, khó lường trên cả nước nói chung cũng như tại Lâm Đồng nói riêng.

Tại Lâm Đồng, từ đầu năm 2025 đến ngày 20/4 toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.100 trường hợp nghi mắc sởi. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dễ dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. 

 

Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại phường I, TP Đà Lạt

Vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin an toàn, hiệu quả

Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể có biểu hiện như: sốt, phát ban, sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị.

Để phòng bệnh sởi hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắc xin. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, lúc này chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin... Tiêm mũi vắc xin sởi lúc 18 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi. Từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%, giúp cắt đứt sự lây truyền bệnh sởi trong cộng đồng.

Nhằm bảo vệ trẻ trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến khó lường, các bậc phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các vùng đang bùng phát dịch sởi, nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao thì việc tiêm bổ sung một mũi vắc xin có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi là cần thiết. Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát. 

Tháng 3/2025, Ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai và hoàn thành chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi cho các nhóm tuổi từ 6-9 tháng tuổi, 1-10 tuổi.

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho học sinh tại Đà Lạt

Mới đây, ngày 14/4/2025 Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 1319/SYT-NVYD về việc phối hợp rà soát, đăng ký đối tượng tiêm vắc xin phòng bệnh sởi gởi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền để người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng sởi đến đăng ký tiêm phòng tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, đăng ký trước 16 giờ ngày 15/4/2025 (người chưa tiêm,chưa tiêm đủ 02 mũi vắc xin có thành phần sởi, không rõ tiền sử tiêm chủng, chưa từng bị sởi, có nguyện vọng tiêm vắc xin có thành phần sởi). Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng: chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ hiện đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn đăng ký tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ (trẻ chưa tiêm, chưa tiêm đủ 02 mũi vắc xin có thành phần sởi, không rõ tiền sử tiêm chủng, chưa từng bị sởi, có nguyện vọng tiêm vắc xin có thành phần sởi); tổng hợp danh sách học sinh tiêm vắc xin phòng sởi theo nhóm lớp gửi về Trạm Y tế trước 15 giờ ngày 15/4/2025.

Bên cạnh tiêm vắc xin, người dân cũng cần thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng bệnh sởi: 

Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

 

Bài/ảnh: Thái Tuyền - Ninh Thu