HƯỞNG ỨNG NGÀY THỊ GIÁC THẾ GIỚI NĂM 2024

VỚI CHỦ ĐỀ “ƯU TIÊN CHĂM SÓC MẮT TRẺ EM”

 

Với mục tiêu “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2030”, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức phòng, chống mù lòa Quốc tế đã quyết định chọn ngày thứ 5 của tuần lễ thứ 2 vào tháng 10 hàng năm là Ngày Thị giác thế giới (năm nay là ngày 10/10/2024). Năm nay với chủ đề “World Sight Day 2024 to Prioritise Child Eye Health – tạm dịch là Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”, sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sức khỏe mắt của trẻ em và mang đến cho trẻ em trên toàn thế giới cơ hội yêu thương đôi mắt của mình.

Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng máy tính hay điện thoại để làm việc, học tập là thường xuyên. Do đó, sẽ làm gia tăng các rối loạn hoặc các bệnh lý về mắt. Khi bị các bệnh về mắt, chúng ta thường gặp những triệu chứng như: Mỏi mắt, căng mắt, mệt mỏi, nặng nề, khó mở mắt; Khô mắt, rát, cộm, ngứa, chảy nước mắt; Nhìn mờ do thị lực giảm, nhìn không rõ nét, đặc biệt khi nhìn xa…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ/ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Do đó, chỉ nên tương tác với các thiết bị điện tử dưới khoảng thời gian này mỗi ngày. Thế nhưng, theo con số thống kê ở Việt Nam, trung bình một ngày, mỗi người dành 06 giờ để truy cập mạng, 02 giờ để xem tivi. Con số này cao gần gấp 03 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.   

 

Để trẻ có đôi mắt khỏe mạnh

Do sử dụng các các thiết bị điện tử như: tivi, ipad, điện thoại, máy tính, đọc sách sai cách, ít các hoạt động ngoài trời. Điều này dẫn đến nhiều trẻ phải đến các bệnh viện thăm khám các bệnh lý về mắt, đáng chú ý có nhiều trẻ bị tăng độ và bị cận thị. Để giúp trẻ có đôi mắt khỏe mạnh, phụ huynh hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, cần tăng thời gian hoạt động vui chơi ngoài trời cho  trẻ.   

Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến các trẻ bị cận thị vẫn đang được quan tâm nhất đó là thói quen nhìn gần. Vì trẻ em ngày nay thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử như: điện thoại, máy vi tính, tivi và đọc sách ở khoảng cách gần trong thời gian dài hoặc trong điều kiện ánh sáng không đủ. Điều này gây căng thẳng cho mắt và làm tăng nguy cơ cận thị.

Để phòng cận thị ở trẻ em và các bệnh lý ở mắt cần đảm bảo ánh sáng đầy đủ, trẻ nên học tập và chơi trong môi trường có đủ ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng từ đèn, tránh ánh sáng quá yếu hoặc quá mạnh. Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử, hạn chế thời gian trẻ sử dụng điện thoại, máy tính bảng, ti vi và máy vi tính.  

Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp cho trẻ các loại thực phẩm giàu Vitamin A, C, E, và các chất chống oxy hóa giúp mắt khỏe mạnh, như cà rốt, cá, rau xanh và các loại trái cây. Đeo kính bảo vệ mắt khi cần thiết, nếu trẻ có thói quen tham gia các hoạt động thể thao hoặc học tập trong môi trường có ánh sáng chói hoặc bụi, hãy đeo kính bảo vệ mắt.

Phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ mắt để kiểm tra định kỳ, ít nhất một lần mỗi năm, để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực. Đặc biệt, khi có những dấu hiệu về mắt như: ghèn, mắt hơi đỏ, chớp mắt nhiều, nhìn mờ… nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám, xác định nguyên nhân. Không tự ý tự mua thuốc nhỏ, đặc biệt một số thuốc có chất kháng viêm mạnh gây viêm loét giác mạc ảnh hưởng đến thị lực sau này.  

Thái Tuyền – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)