Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19

 

Ngày 16/11/2022, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan. GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Lâm Đồng BSCKI Đào Thành Trung-Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Khoa, phòng liên quan.

Tại hội nghị, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã trình bày và thảo luận về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Kế hoạch phân bổ vắc xin COVID-19 trong thời gian tới; Các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng; Báo cáo về hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu tiêm chủng và thống kê các bệnh truyền nhiễm như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ, Cúm, bệnh Whitmore….; Các địa phương cũng báo cáo một số khó khăn cũng như giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19.

 Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong tuần qua số ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng tăng nhẹ; Đến nay tổng số liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm là 262.719.806 liều. Trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.256.111 liều, số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.588.672 liều, số liều tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 16.875.023 liều.

 BSCKI Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. 

        Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận 03 ca mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomalle gây ra, trong đó có 02 trường hợp là trẻ em tại Thanh Hóa và 01 người lớn tại tỉnh Đắk Lắk. Tại hội nghị, Đại diện Bệnh viện nhiệt đới Trung ương đã đưa ra những hướng dẫn Chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh Whitmore. Ngày 10/11/2022, Cục Y tế dự phòng cũng đã ban hành Công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Y tế quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm để chủ động phòng chống hiệu quả đối với bệnh Whitmore trên địa bàn các tỉnh. Trong đó yêu cầu: Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.  

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Về tình hình bệnh Sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, tuy nhiên dự báo những tháng cuối năm vẫn có chuyển biến phức tạp, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, điều tra côn trùng định kỳ hàng tháng tại các nơi trọng điểm. Tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng chống muỗi đốt, và vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy.

Về vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm đầu mối thực hiện được triển khai ở Việt Nam. Đến nay, đã có 11 loại vắc xin gồm: vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em ở nước ta.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm vắc-xin phòng COVID-19; Có phương án chủ động trước các tình huống của dịch bệnh… Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát bệnh Đậu mùa khỉ, Cúm  mùa, Sốt xuất huyết, Whitmore và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của Ngành Y tế.       Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)