Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19
Ngày 26/10/2022, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan. GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Lâm Đồng có sự tham dự của lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Khoa, phòng liên quan.
Tại hội nghị, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã trình bày và thảo luận về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng; Báo cáo về hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu tiêm chủng và thống kê các bệnh truyền nhiễm như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ, Cúm A/H5, bệnh do Virus Adeno; Các địa phương cũng báo cáo một số khó khăn cũng như giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19.
Về dịch bệnh COVID-19 tính đến nay đã ghi nhận gần 11,5 triệu ca mắc, gần 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,3%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%) và mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Tổng số mũi tiêm trên toàn quốc là 261.512.447 mũi tiêm. Kết quả tiêm mũi 03 cho nhóm người từ 18 tuổi trở lên có 14/63 tỉnh đạt >= 90% gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Kon Tum, Đắc Nông, Điện Biên, Lâm Đồng, Sóc Trăng và Bến Tre.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Về dịch bệnh Sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã có dấu hiệu giảm, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, nên nguy cơ dịch có thể tiếp tục gia tăng. Về bệnh do Virus Adeno hiện vẫn ghi nhận ca bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Nhi TW và một số địa phương. Xuất hiện ca bệnh Cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như Đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Mặc dù vậy, công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm vắc-xin phòng COVID-19; Có phương án chủ động trước các tình huống của dịch bệnh… Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát bệnh Đậu mùa khỉ, Cúm gia cầm, Sốt xuất huyết và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)