Hội nghị tập huấn chuyên môn về phòng chống ngộ độc thực phẩm
Thực hiện kế hoạch 1761/KH-BCĐLNVSATTP ngày 07/10/2022 của Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.
Ngày 21/10/2022 tại thành phố Bảo Lộc, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn về phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tham dự có đại diện lãnh đạo, chuyên viên của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Trung tâm Y tế và Phòng Y tế 12 huyện, thành phố. BS.CKII Trịnh Văn Quyết-Phó Giám đốc Sở Y tế; BS.CKII Bùi Văn Độ-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP; BS.CKII Nguyễn Quốc Minh-Giám đốc CDC chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe BSCKII. Bùi Văn Độ-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP báo cáo tóm tắt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2022, thống nhất công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và hướng dẫn tổ chức điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm hiện đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản…cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, sự gia tăng về số lượng, quy mô trong tổ chức bếp ăn tập thể, tiệc cỗ gia đình, từ thiện… Đây là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra sự cố về ATTP, có tác động lớn tới sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế và mối quan tâm của toàn xã hội.
BS.CKII Trịnh Văn Quyết-Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị
Trong 10 tháng năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 229 người mắc, 2 người tử vong. Trong đó, xảy ra tại Đà Lạt 1 vụ, 146 người mắc và tại huyện Lạc Dương 2 vụ với 83 người mắc, 2 người tử vong.
Hiện nay, hoạt động quản lý ATTP ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ còn chưa được triển khai mạnh mẽ; khó khăn trong việc quản lý các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và các tổ chức, cá nhân cung cấp suất ăn từ thiện. Mạng lưới cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP tuyến huyện hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Đặc biệt tại các Phòng Y tế, số lượng nhân sự ít trong khi khối lượng công việc lớn gây khó khăn cho công tác quản lý ATTP.
Công tác kiểm tra chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, hầu như chưa triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành. Công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở, chưa thông báo các cơ sở không đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng.
Toàn cảnh hội nghị
Để chủ động và có tính chuyên nghiệp cao trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới như: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho cán bộ tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Rà soát và trang bị thêm các dụng cụ lấy mẫu, test nhanh phục vụ cho công tác quản lý, kiểm nghiệm về ATTP cho tuyến dưới; Xây dựng kế hoạch tập huấn, cập nhật văn bản mới cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch tập huấn cho các cán bộ chuyên trách về an toàn thực trong công tác lấy mẫu thực phẩm và mẫu bệnh phẩm; Tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP huyện, thành phố thành lập Đội thường trực điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm; Thực hiện điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm đúng theo quy định; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân. Đặc biệt, tăng cường quản lý các loại hình dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, bữa ăn từ nguồn từ thiện; Phân công nhiệm vụ và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công; Rà soát, thống kê và đăng ký danh sách các cán bộ chưa được tập huấn chuyên môn về an toàn thực phẩm, về công tác lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm… Chủ động chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ; bố trí đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đi lại; biểu mẫu điều tra; dụng cụ lấy mẫu… xử trí ngộ độc thực phẩm theo đúng quy định.
Hội nghị cũng đã giải đáp thắc mắc, khó khăn và các kiến nghị trong công tác quản lý, giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm của các địa phương và triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022. Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)