Hội nghị trực tuyến sơ kết 03 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

         

Ngày 30/06/2023, Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện, kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và phương hướng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2023-2025 thuộc lĩnh vực y tế. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối điểm cầu Bộ Y tế với các điểm cầu UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Uỷ viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị.  Tại điểm cầu Lâm Đồng BS.CKI Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y; Phòng Kế hoạch – Tài chính; lãnh đạo và cán bộ phụ trách Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Uỷ viên Ban Chỉ đạo Trung ương

 các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị.

 

Báo cáo tại hội nghị cho thấy Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực y tế được phân công gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quôc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2023: Ngành Y tế xây dựng các đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các Trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2022; Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em dưới 01 tuổi đạt trên 90%; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 90,85% năm 2020 lên 92,03% năm 2022. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu tăng từ 77% năm 2010 lên 96,6% năm 2021.

BSCKI. Đào Thành Trung – Phó GĐ Sở Y tế chủ trì hội nghị

 tại điểm cầu Lâm Đồng

 

Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung thực hiện theo phân công trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác tổ chức thực hiện Chương trình và điều phối, phối hợp trong quản lý tổ chức thực hiện. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phân công thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng, ban hành Quyết định hướng dẫn thực hiện để đảm bảo cho các tỉnh và các đơn vị tham gia thực hiện đúng, đủ các nội dung.

Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Y tế  được giao nhiệm vụ đầu mối đã tiến hành khảo sát 22 điểm tại 21 tỉnh triển khai vùng trồng dược liệu quý; tổng hợp đề nghị của các địa phương và đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thiết yếu cho 16 trung tâm y tế, bệnh viện huyện thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I trong năm 2021-2022 là 150 bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế thuộc huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự kiến cuối năm 2023 sẽ bàn giao 50 học viên tốt nghiệp thuộc 10 chuyên ngành về công tác tại 32 huyện khó khăn thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.Tăng cường truyền thông nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và phụ nữ có thai. Xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

 

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm đồng

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chương trình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; giao vốn kịp thời cho các địa phương, đơn vị để triển khai; ưu tiên bố trí kinh phí để các tỉnh miền núi khó khăn và có khả năng điều kiện triển khai tốt các nội dung hoạt động dự án, tiểu dự án. Đồng thời, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đối với các công trình đầu tư công, đặc biệt là công trình xây dựng cải tạo, sửa chữa, yêu cầu nhà thầu phải có kế hoạch lộ trình thi công cụ thể. Tiếp tục rà soát, phân bổ kinh phí thực hiện chương trình cho đúng đối tượng. Các huyện nơi được lựa chọn triển khai dự án phát triển dược liệu sớm trình HĐND tỉnh ban hành trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ; hoàn thiện kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng, thông báo lựa chọn đơn vị liên kết. Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, phấn đấu đạt được mục tiêu, hiệu quả của chương trình. Ninh Thu – CDC Lâm Đồng