DẤU HIỆU CẢNH BÁO TRẺ BỊ TAY CHÂN MIỆNG DIỄN BIẾN NẶNG

 

Tay chân miệng là bệnh theo mùa và diễn biến nặng khá nhanh, nhiều bố mẹ chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám và một số trẻ khi nhập viện đã biến chứng nặng.

Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần chú ý theo dõi các biểu hiện của trẻ, nhất là 03 dấu hiệu cảnh báo bệnh đang diễn biến nặng.

1. Bé quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Bé cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

2. Bé sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamot. Đây là tình trạng các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thế gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.

3. Biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng bé đã nhiễm độc thần kinh. Bố mẹ cần phát hiện triệu chứng này ngay cả khi con đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Đây là 03 triệu chứng sớm cảnh báo bé mắc tay chân miệng đang có diễn biến nặng hơn mà bố mẹ cần chú ý theo dõi . Nếu bé mắc tay chân miệng có 01 trong 03 dấu hiệu nêu trên thì cần đưa con đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời.

 

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ

Lời khuyên của thầy thuốc

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết và quan trọng. Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ bị bệnh tay chân miệng, sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh. Các hộ gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc. Không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử khuẩn.

Phân của trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường xung quanh. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như cloraminB. Nhà vệ sinh của các gia đình có trẻ bị bệnh tay chân miệng luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.

Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện khi trẻ bị bệnh như: sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết, trong đó có bệnh tay chân miệng. Cần cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác để phòng tránh lây bệnh.

Khi nghi trẻ bị bệnh tay chân miệng hoặc trẻ bị bệnh tay chân miệng mà có một số dấu hiệu khác thường (rung giật, bứt rứt, lừ đừ, yếu chi, co giật, hôn mê, mạch đập nhanh, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng) thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm.

 

                                               Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng) Tổng hợp