HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ TAY CHÂN MIỆNG TẠI KHU VỰC PHÍA NAM

 

Sáng ngày 23/6/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị cùng với sự tham dự của các thành viên đoàn công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế; Lãnh đạo và cán bộ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tại điểm cầu Lâm Đồng có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị

 

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 05 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71) và 02 trường hợp tử vong khác. Hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều; Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng, do vậy cần lưu ý việc chẩn đoán, phát hiện và nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Ngoài ra, sốt xuất huyết hiện cũng đang vào đầu mùa bệnh, khu vực phía Nam đã ghi nhận có khoảng 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so cùng kỳ giảm 39%, so với 2019 giảm 47%, ca tử vong cũng giảm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nặng trên tổng số ca mắc vẫn rất cao nếu không phòng chống kịp thời dễ dẫn tới khả năng bùng phát dịch, gây quá tải cho các cơ sở y tế.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Lâm Đồng

 

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân cao so với năm trước và so với trung bình 05 năm vừa qua, đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng cũng đang diễn tiến phức tạp; Đồng Tháp đã ghi nhận 1.447 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, trong đó có 82 trường hợp nặng, 01 trường hợp tử vong. Còn bệnh tay chân miệng, tính đến tuần 24, có 902 ca, trong đó ca mắc dưới 03 tuổi và 01 trường hợp tử vong. Tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận 1.694 ca mắc tay chân miệng, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022 (3.883 ca). Không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ tháng 5 tăng mạnh, mỗi tuần có 200-300 ca nhập viện.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các Sở Y tế, các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phải có biện pháp giám sát, đánh giá các ổ dịch để kiểm soát, không để dịch lan rộng ở từng điểm và nếu không kiểm soát nghiêm ngặt thì số ca nặng sẽ tăng cao. Phần lớn ca mắc và chuyển nặng đều là trẻ em, nhưng người lớn cũng là nguồn lây quan trọng, trong khi nhiều người không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Do vậy, ngoài điều trị thì các địa phương cần phải có biện pháp tuyên truyền, điều trị dự phòng ở các cơ sở y tế tư nhân về ý thức phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm.

Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh -Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã trở lên, đặc biệt các phòng khám tư nhân lưu ý khi tiếp nhận thăm khám bệnh. Với những ca nhẹ có thể điều trị ở tuyến xã, phòng khám tư nhân; Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh ở độ 2A phải chuyển lên tuyến huyện hoặc tư nhân điều trị ở độ 2A-1. Từ độ 2B phải lên tuyến tỉnh. Còn phân độ 03, độ 04 phải chuyển lên tuyến trên. Hiện tại, Bộ Y tế đã phân công 04 bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM, bao gồm 03 bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tham gia hỗ trợ, tiếp nhận điều trị các trường hợp nặng ở khu vực phía Nam.

Sau khi nghe các báo cáo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước đó Bộ đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, kinh phí mua thiết bị y tế, thuốc điều trị cũng đã phân bổ về các địa phương. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Khi đã có kế hoạch, nếu chưa hoặc đang trình phê duyệt, đề nghị tham mưu, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt kinh phí để triển khai. Cần tăng cường theo dõi, tập trung xử lý đảm bảo chất lượng, phân tích tình hình dịch, có giải pháp kịp thời, tùy theo tình hình và địa phương. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức tổ phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh; tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; Phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.

                              Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)