HỘI NGHỊ TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT

Từ ngày 12 – 14/7/2023, Viện Sốt rét – KST – CT tổ chức tập huấn về giám sát sốt rét cho cán bộ tuyến tỉnh toàn quốc và đại diện của các bộ ngành tại 3 miền tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự và chỉ đạo lớp tập huấn có Tiến sĩ Đoàn Bình Minh – Viện phó Viện Sốt rét – Ký sinh trùng côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh và gần 40 đại biểu đại diện  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Miền Nam – Lâm Đồng tham dự.

 

Tiến sĩ Đoàn Bình Minh  – Viện phó Viện Sốt rét – Ký sinh trùng côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo tài liệu: Ở Việt Nam, bệnh sốt rét lây truyền quanh năm nhưng thường có 1 đến 2 đỉnh cao của mùa truyền bệnh. Sự lan truyền bệnh sốt rét được quyết định bởi 3 yếu tố gồm: Tác nhân gây bệnh, véc tơ truyền bệnh và con người. Sự lan truyền bệnh sốt rét có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội, trong đó các yếu tố như khí hậu, sinh cảnh, những thay đổi của môi trường và các biện pháp phòng chống được áp dụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình lan truyền bệnh. Một số yếu tố khác cũng có tác động đến sự lan truyền bệnh như: Di biến động dân cư, đô thị hóa …

Trên thế giới hiện nay đã phát hiện có 5 loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) gây bệnh cho người là P.malariae; P. vivax; P. falciparum; P. Ovale và P. knowlesi. Trong số 5 loài KSTSR gây bệnh ở người thì P. falciparum và P. vivax là 2 loài thường gặp nhất ở Lâm Đồng.

Chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét gồm hai giai đoạn: Giai đoạn sinh sản vô tính ở cơ thể người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi. Quá trình lan truyền bệnh sốt rét tự nhiên xảy ra do muỗi Anopheles cái nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt người. Khi muỗi Anopheles cái nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt người, thoa trùng sẽ xâm nhâp vào máu và bắt đầu chu kỳ sinh sản vô tính ở người. Người ta ước tính rằng nhìn chung mỗi lần đốt người muỗi cái sẽ truyền khoảng dưới 100 thoa trùng sang người.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khởi – Khoa Dịch Tễ,

Trưởng khoa chia sẻ các nội dung của bệnh sốt rét.

Theo quan điểm trước đây, ngay sau khi muỗi Anopheles đốt, thoa trùng sẽ vào máu ngoại biên của vật chủ để cuối cùng xâm nhập vào tế bào gan. Thoa trùng không tồn tại lâu trong máu vì đây không phải là môi trường thích hợp cho nó tồn tại và phát triển. Thời gian lưu hành của thoa trùng trong máu chỉ khoảng 30 phút và sau đó một bộ phận thoát khỏi miễn dịch tế bào sẽ tới gan và xâm nhập vào tế bào gan một cách trực tiếp hoặc thông qua tế bào Kupffer.

Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây bằng việc sử dụng những kỹ thuật hiện đại cho thấy rằng thoa trùng trước hết sẽ được đưa vào da và chúng có thể ở đó tới 6 giờ và khoảng 1/3 số thoa trùng di chuyển khỏi nơi bị muỗi đốt có thể di truyền vào bạch huyết và đi tới hạch vùng. Những thoa trùng khác vào máu và di chuyển tới gan để xâm nhập trực tiếp vào tế bào gan hoặc thông qua tế bào Kupffer.

 

Toàn cảnh lớp tập huấn

Tại buổi tập huấn, các học viên được cung cấp những kiến thức mới về giám sát phòng chống và loại trừ sốt rét; cách giám sát trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét; hướng dẫn phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét. Ngoài ra, các học viên còn được truyền đạt một số nội dung, giải pháp để loại trừ sốt rét như: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại cộng đồng; giám sát, quản lý các trường hợp mắc sốt rét; Quản lý bệnh nhân sốt rét ngoại lai; xây dựng cơ sở dữ liệu về sốt rét ở tất cả các tuyến; chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt rét theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống và loại trừ sốt rét…

Sau lớp tập huấn này, các tỉnh, thành phố sẽ chuẩn hóa các hoạt động giám sát và loại trừ sốt rét và chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương. (Minh Hương -Khoa PCBTN - CDC Lâm Đồng)