ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC BẾP ĂN TẬP THỂ

TRONG KHU CÔNG NGHIỆP

 

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương đã ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các công nhân tham gia sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp.

Để chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho các công nhân, nhân viên làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp thuộc khu công nghiệp, góp phần ổn định nền kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh; Ngày 05/7/ 2024, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành công văn số 2062/SYT-NVY kính đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng phối hợp thực hiện các nội dung sau:

Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các đơn vị có bếp ăn tập thể trong Khu công nghiệp (bao gồm cả các bếp ăn do các nhà máy, xí nghiệp tự tổ chức và các bếp ăn được các nhà máy, xí nghiệp hợp đồng với các đơn vị khác cung cấp). Cung cấp danh sách các cơ sở trên định kỳ hằng quý cho Sở Y tế (đầu mối là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp có bếp ăn tập thể:

- Tăng cường đầu tư nâng cấp khu vực bếp và khu vực ăn uống, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nấu nướng, chế biến theo quy định.

- Chỉ ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm (có đầy đủ các giấy tờ pháp lý về an toàn thực phẩm, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đối với đối tượng thuộc diện phải cấp giấy).

Thường xuyên giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể như:

- Tăng cường vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, giữ khu vực bếp sạch sẽ, khô ráo.

- Đảm bảo bố trí, sắp xếp khu vực sơ chế tách biệt với khu vực bếp.

- Tách biệt các trang thiết bị, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm sống với thực phẩm chín, thực phẩm sạch với thực phẩm chưa sạch.

- Chỉ sử dụng người trực tiếp chế biến, phục vụ, tiếp xúc với thực phẩm đã được xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không đang mắc các bệnh truyền nhiễm và đảm bảo sức khỏe theo quy định.

- Có biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại hiệu quả trong khu vực bếp, kho thực phẩm, nhà ăn.

- Thực hiện kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn và ghi chép sổ sách đúng, đầy đủ theo quy định tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế.

- Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đúng quy định, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo cảm quan,...

- Nguồn nước dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm phải đảm bảo chất lượng (đối với các nguồn nước khác ngoài nguồn nước máy do nhà máy nước cung cấp phải được xét nghiệm đạt theo QCĐP 01:2023/LĐ trước khi đưa vào sử dụng).

Tiếp tục phối hợp tốt với Sở Y tế trong công tác thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định; thông báo ngay cho Sở Y tế khi có các sự cố về an toàn thực phẩm nhằm có hướng xử lý kịp thời để hạn chế thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra.

Thái Tuyền – Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)