Công tác phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Trong những năm gần đây, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn đang là một vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại tỉnh Lâm Đồng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước nhưng vẫn ghi nhận một số trường hợp đau lòng xảy ra. Theo thống kê, trong quý I/2025, tỉnh Lâm Đồng có 03 trường hợp trẻ em bị đuối nước thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, trong đó có 02 trường hợp tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chính bao gồm: Nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn hạn chế. Thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi và tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ em. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Thiếu sự giám sát của người lớn, trẻ em thiếu kỹ năng bơi lội và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường sống có nhiều khu vực nguy hiểm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, trong đó Ngành Y tế giữ vai trò then chốt.

Trong thời gian qua, Ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng mạng lưới giám sát các điểm có nguy cơ cao về đuối nước. Công tác thống kê theo dõi các ca tai nạn thương tích cũng được đẩy mạnh nhằm nắm bắt tình hình, đánh giá nguy cơ và đưa ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp.

Bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn  như: đội ngũ y tế thôn bản vùng sâu, vùng xa còn thiếu kỹ năng xử lý đuối nước; nhiều phụ huynh chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học bơi và kỹ năng sống cho trẻ. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi, tổ chức sân chơi an toàn cũng còn hạn chế.

Nhằm giảm thiểu thấp nhất tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước và tử vong do đuối nước theo chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và UBND tỉnh Lâm ĐồngSở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản số 1196/SYT-BTXH, đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước - bảo vệ sức khỏe và tính mạng trẻ em một các bền vững cụ thể:

Duy trì phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Điều hành Công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã; tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc địa phương cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em; đồng thời, có giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương.

Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng; tuyên truyền, vận động gia đình cam kết thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em, thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em tại huyện Đam Rông

Các ngành chức năng và UBND cấp xã nghiêm túc tổ chức việc rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em như: Làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các hồ ao, sông suối, kênh mương, ao nuôi cá hộ gia đình, các hố nước có nguy cơ gây mất an toàn (hố nước tự đào của gia đình để chứa nước tưới vườn cây, rau, hoa...), các khu vực nước sâu, nguy hiểm, các công trình đang thi công...; đối với các công trình xây dựng đã hoàn thiện, chỉ đạo việc rà soát, san lấp các hố sâu đã được đào phục vụ trong quá trình thi công để đảm bảo an toàn cho người dân và trẻ em.

Đưa chỉ tiêu giảm số trẻ em bị đuối nước trên địa bàn gắn nhiệm vụ người đứng đầu địa phương, đơn vị; người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị, trường học quản lý trẻ em phải chịu trách nhiệm nếu để xảy tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước tại địa phương, đơn vị mình; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra đuối nước trẻ em; huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội tận dụng cơ sở vật chất, địa điểm nhà văn hóa, trường học, sân thể thao... tạo điều kiện cho trẻ em sinh hoạt hè, đảm bảo an toàn trên địa bàn dân cư.

Bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương; ưu tiên đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em; vận động xã hội hóa, thực hiện các dự án xây dựng điểm vui chơi an toàn cho trẻ như đầu tư xây dựng các nhà văn hóa, sân thể thao, xây dựng các bể bơi theo tiêu chuẩn…

Tổ chức đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, thôn, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước...

Thụy Hợp  - Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)