BỆNH TAY CHÂN MIỆNG Ở TRẺ EM: DẤU HIỆU, TRIỆU CHỨNG  

 

Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là một bệnh truyền nhiễm phổ biến, bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và rất dễ lây lan. Đây là một bệnh lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não và có thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy việc điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ thật sự rất cần thiết. Bên cạnh điều trị y tế (nếu cần), bố mẹ cũng cần phải biết cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách để giúp bé phục hồi nhanh hơn.   

Nguyên nhân bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Enterovirus gây ra, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trong đó, Coxsackievirus A16 ít gây biến chứng, người bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi. Ngược lại, người mắc bệnh bởi virus Enterovirus 71 lại có nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh gây ra các tổn thương hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của bệnh nhân.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nhưng vẫn có thể xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn.  

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm ở hầu hết các tỉnh thành. Trong đó 2 thời điểm bùng phát dịch được ghi nhận là từ tháng 3 – tháng 5 và từ tháng 9 – tháng 12. Theo thống kê từ WHO, hàng năm có khoảng 50.000 – 100.000 ca bị tay chân miệng được ghi nhận ở nước ta. Đặc biệt, phía Nam là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất và chiếm hơn 60% các trường hợp trong cả nước.

Dấu hiệu tay chân miệng  

Khi mắc bệnh tay chân miệng trẻ có dấu hiệu xuất hiện sốt, phát ban, đau họng, sưng nứu, nổi mẩn đỏ ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, thậm chí là ở môi. Tuy nhiên những triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và tùy vào giai đoạn phát bệnh.

Các triệu chứng bệnh tay chân miệng này thường sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm bệnh từ 3 đến 7 ngày. Đối với những trường hợp bị bệnh nhẹ, các triệu chứng này sẽ tự giảm sau 7 đến 10 ngày, các vết ban sẽ không còn thấy đau hay ngứa.

Triệu chứng của bệnh chân tay miệng

Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em là yếu tố giúp việc điều trị thuận lợi và chăm sóc kịp thời để hồi phục bệnh nhanh hơn. Các triệu chứng chân tay miệng ở trẻ em qua từng giai đoạn cụ thể bao gồm:

Giai đoạn ủ bệnh: Từ 03 đến 06 ngày sau khi nhiễm virus. Ở giai đoạn này chưa có biểu hiện ra bên ngoài cơ thể, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường.

Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng sớm nhất của khi bị tay chân miệng là sốt nhẹ, đau họng, trẻ bị ho sổ mũi, cơ thể mệt mỏi, tiêu chảy vài lần trong ngày, đôi khi sờ thấy hạch ở cổ, hạch ở hàm dưới.

Giai đoạn toàn phát

-Viêm loét miệng: Xuất hiện mụn nước nhỏ (đường kính 02 - 03 mm) ở niêm mạc miệng, má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các bóng nước vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt, khiến em bé bị tay chân miệng cảm thấy đau khi ăn và vì thế trẻ rất dễ biếng ăn.

-Phát ban toàn thân: Xuất hiện các bóng nước lớn hình bầu dục lồi (đường kính 02 – 10mm) ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông, sốt phát ban toàn thân có thể ở trên da hoặc ẩn dưới da.

Biến chứng: Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện sốt, buồn nôn, một số trường hợp sốt cao, nôn nhiều có thể xuất hiện các biến chứng thần kinh như rối loạn tri giác, lơ mơ, mê sảng, co giật… Các biến chứng này thường xuất hiện rất sớm từ ngày 3 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Từ 07 – 10 ngày tính từ ngày bệnh khởi phát, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra các biến chứng như trên. Trường hợp xảy ra các biến chứng: sốt cao trên 39°C hoặc sốt cao kéo dài trên 48 tiếng, trẻ quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, thở khó… thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng

Vì đây là bệnh do virus gây ra, nên hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị hiện nay là điều trị các triệu chứng do bệnh gây ra. Nếu trẻ bị tay chân miệng ở thể nhẹ, chỉ bị mụn nước hoặc loét miệng thì bố mẹ có thể theo dõi hoặc làm theo hướng dẫn cách trị tay chân miệng tại nhà như sau:

- Các thương tổn ngoài da của trẻ do phát ban, bỏng nước có thể bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm

- Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng

- Tắm rửa vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh bị tình trạng nhiễm khuẩn.

- Cho trẻ uống nhiều nước mát và thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, lỏng.

- Cách ly trẻ bị bệnh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà.

- Hạn chế cho trẻ gãi vì có thể làm vỡ mụn nước có thể gây nhiễm trùng và có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.

Triệu chứng nên đưa bé đến bác sĩ 

Khi trẻ xuất hiện một trong các triệu chứng sau, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm: Sốt cao không giảm, khó thở hoặc thở nhanh, buồn nôn hoặc tiêu chảy liên tục, các triệu chứng phát ban, mẩn đỏ lâu ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, co giật, hôn mê, đi loạng choạng, không thể tự chủ được.

BS Quốc Huy – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)