HÚT THUỐC LÁ VÀ BỆNH UNG THƯ PHỔI

 

Hiện nay xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng trong khi nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng. Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trong nam giới trên toàn cầu. Nguyên nhân chính gây ra bệnh này là tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng.

Tại Việt Nam, ung thư phổi chiếm khoảng ¼ tổng số ca mắc ung thư hàng năm đối với nam giới. Hiện nay các bệnh không truyền nhiễm (tim mạch, tiểu đường, ung thư…) đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Ung thư đang là vấn đề lớn về sức khoẻ cộng đồng. Tính riêng ung thư, tại Việt Nam có trên 183.000 ca mới mắc, trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn.

Các dấu hiệu của ung thư phổi rất khác nhau ở mỗi cá nhân. Một số bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng liên quan đến phổi, một số khác thì không có dấu hiệu cho đến khi ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết những người bị ung thư phổi không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Các triệu chứng ung thư phổi có thể bao gồm: Ho trong một thời gian dài mà không giảm, đau ngực, khó thở, khò khè, ho ra máu, cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, giảm cân không rõ nguyên nhân. Một số thay đổi khác có thể xảy ra với ung thư phổi có thể bao gồm các đợt viêm phổi lặp đi lặp lại và hạch bạch huyết bị sưng, một số triệu chứng có thể xảy ra với các bệnh khác. Do đó, khi bạn có một vài các triệu chứng này, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cụ thể, nếu phát hiện sẽ được can thiệp sớm, giảm nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bản thân.

Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đến lối sống làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, vì thế chúng ta cần thay đổi để phòng chống căn bệnh này:

Hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Do đó, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.

Phòng tránh ô nhiễm không khí: Các nghiên cứu cho thấy những người sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Do đó bạn cần có những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên bản thân.

Có một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau quả: Một số nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây hoặc rau quả có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp hơn so với những người ăn lượng thấp. Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại trái cây và rau quả sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

Tập thể dục nhiều hơn: Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống trả tự nhiên của cơ thể đối với những yếu tố độc hại. Việc tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống.

 

Thái Tuyền – Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)