BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN 2023

Như thông lệ, Những ngày Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu của người dân về tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm bánh kẹo, rượu, bia, thịt cá, sản phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, bánh … tăng đột biến. Đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa Lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội với nhiều lượt khách tham dự. Để bảo đảm an toàn vui xuân đón Tết người dân cần lưu ý.

- Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP; Không mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

- Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng.

- Phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết: Không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết; Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị; Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.

- Tuyệt đối không đươc ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng …; Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm bị dập nát, ôi thiu.

- Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên tích trữ nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sản phẩm bị hỏng. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời…

Đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh!

Kim Cúc (CDC Lâm Đồng)