Bệnh thường gặp mùa đông xuân
Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn,...Nếu người dân không được tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân kém là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ dàng bùng phát.
Bệnh cúm mùa:
Bệnh cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do virus cúm gây ra và lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh cúm mùa ảnh hưởng đến hệ hô hấp chủ yếu là mũi và cổ họng và bệnh bùng phát phần lớn theo mô hình mùa có thể dự đoán được và xảy ra hàng năm.
Bệnh cúm mùa phổ biến hơn vào mùa đông bởi vì: Vào mùa đông, hầu hết mọi người đều dành nhiều thời gian hơn để ở trong nhà cùng với các cửa sổ được đóng kín. Vì vậy, họ có thể sẽ hít thở không khí có chứa virus cúm do người cùng phòng mắc bệnh cúm hoặc do virus cúm đã tồn tại có sẵn trong môi trường không khí. Điều đó làm cho virus dễ dàng lây lan hơn. Do ngày ngắn hơn trong mùa đông và thiếu ánh sáng mặt trời dẫn đến giảm hàm lượng vitamin D và melatonin trong cơ thể. Do cả hai chất này đều cần ánh sáng mặt trời để tổng hợp. Khi lượng vitamin D giảm xuống có thể sẽ làm tổn hại hệ thống miễn dịch, từ đó làm cho cơ thể giảm khả năng chống lại virus cúm . Virus cúm có thể sống sót tốt hơn ở vùng khí hậu lạnh hơn, khô hơn và do đó có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn.
Khám sức khỏe cho học sinh tại Trường Mầm non Anh Đào – Đà Lạt
Bệnh sởi:
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất thường gặp vào mùa đông xuân. Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc sởi thường tăng cao trong các tháng 11-12 và tháng 1-3 hằng năm. với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh sởi dễ gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Các bác sĩ cho biết, sởi có thể gây các biến chứng: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và có thể gặp viêm não sau sởi. Vi rút gây sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Vi rút lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh sởi rất dễ lây, có tới 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa.
Bệnh thường bắt đầu sốt nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau nổi lên những nốt nhỏ xíu mầu trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má (những nốt này có tên là đốm Koplik). Đây này là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39-40 độ C trước và trong quá trình nổi ban. Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Khi ban mọc, sốt sẽ giảm dần.
Sởi hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn ít mắc bệnh vì đã bị mắc từ bé, có miễn dịch bền vững. Vi rút Sởi có thể gây suy giảm miễn dịch tạm thời nên bệnh nhân dễ mắc bệnh nhiễm trùng khác. Bệnh sởi có tỷ lệ tử vong cao: 0,02% ở các nước tiên tiến; 0,3 - 0,7% ở các nước đang phát triển.Tại Việt Nam, nhờ có vắc xin sởi được tiêm phòng rộng rãi nên tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sởi đã giảm nhiều. Đây là bệnh nằm trong “Chương trình Tiêm chủng mở rộng” ở nước ta.
Khám bệnh cho trẻ
Các bệnh truyền nhiễm khác:
Không chỉ bệnh sởi, theo Bệnh viện nhiệt đới trung ương, bệnh nhân đến khám, điều trị biến chứng do quai bị, thủy đậu, rubella… thường tăng mạnh vào mùa đông xuân. Ngoài vắc xin phòng bệnh rubella đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ ở thời điểm 18 tháng tuổi dưới dạng vắc xin phối hợp sởi-rubella, các bệnh còn lại mới chỉ có vắc xin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phải trả tiền. Như vậy cũng có nghĩa sẽ có nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh trong cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Để phòng bệnh vào mùa Đông - Xuân, cần:
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, bộ y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:
- Tiêm vắc xin phòng phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...);
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu;
- Tránh tiếp xúc với những người dân có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...;
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất;
- Đảm bảo môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa; vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày;
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)