Theo dõi định kỳ là rất quan trọng đối với tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp vì bệnh có thể tái phát sau điều trị.

Ung thư tuyến giáp đã trở thành căn bệnh thường gặp hiện nay nhưng là loại ung thư có tiên lượng khá tốt nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, bệnh lại khó phát hiện bởi không có hoặc rất ít triệu chứng lâm sàng, đồng thời cũng rất ít bệnh nhân thường xuyên đi khám tầm soát ung thư tuyến giáp.

Vì vậy, mỗi người nên chủ động đi tầm soát ung thư tuyến giáp sớm để có thể phòng tránh và phát hiện bệnh sớm, đặc biệt với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao.

 Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc CTscanner.

Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là: Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt. Khàn tiếng, khó thở. Nổi hạch cổ. Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể. 

Điều trị như nào? 

Cắt toàn bộ tuyến giáp, có thể vét hạch cổ là phương pháp đầu tay trong điều trị ung thư tuyến giáp. Thông thường, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm có thể chỉ cần phẫu thuật.

Đối với những trường hợp có di căn hạch cổ, bác sĩ có thể chỉ định thêm điều trị bộ trợ bằng I-131 sau phẫu thuật. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ cần phải uống thuốc hormone tuyến giáp cho đến hết đời (chỉ nghỉ hormone khi có chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa để xạ hình toàn thân kiểm tra hoặc điều trị I-131).

Tế bào tuyến giáp có khả năng hấp thu i-ốt rất tốt. Do vậy, I-131 có thể được sử dụng hiệu quả để phá hủy những mô giáp còn lại (lành tính và ung thư) sau khi phẫu thuật.  Ngoài ra còn có điều trị xạ trị ngoài và điều trị đích cho ung thư tuyến giáp tiến triển, di căn xa khi phẫu thuật và điều trị I-131 không hiệu quả.

Theo dõi định kỳ 

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần đặc biệt lưu ý việc theo dõi định kỳ. Đây là cần thiết đối với tất cả các bệnh nhân ung thư tuyến giáp vì bệnh có thể tái phát sau điều trị.

Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu. Kèm theo bệnh nhân phải dùng thuốc hormone tuyến giáp (Levothyroxine) từ sau khi mổ cắt tuyến giáp đến hết đời.

Liều thuốc hormone phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, cân nặng, sinh lý của bệnh nhân. Nồng độ TSH là chỉ số nhạy nhất để theo dõi liều Levothyroxine có thích hợp không khi dùng cho mỗi bệnh nhân. Ngoài ra, chỉ số Tg (thyroglobulin) cũng là dấu ấn ung thư quan trọng trong quá trình theo dõi bệnh. Nếu chỉ số này cao trong huyết thanh thì có thể nghi ngờ do bệnh tái phát và kết hợp thêm với một số xét nghiệm chẩn đoán khác. Tg có thể được định lượng khi bệnh nhân đang dùng hormone hoặc ngừng hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, có hơn 25% số bệnh nhân không thể định lượng Tg chính xác do nồng độ kháng thể kháng Tg (Anti Tg) trong huyết thanh cao hơn bình thường.

Hơn nữa ở những bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao, chụp xạ hình toàn thân chẩn đoán với I-131 sau khi ngừng thuốc hormone cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cùng với xét nghiệm Tg và siêu âm vùng cổ.

     Phát hiện sớm, điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh và theo dõi định kì sau điều trị là yếu tố vô cùng quan trọng. Để có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán tuyến giáp chính xác nhất, điều trị hiệu quả nên đến khám và điều trị tại những cơ sở y tế khám chữa bệnh chuyên khoa.

( Theo Báo sức khỏe và đời sống)

 

Ung thư cổ tử cung, những điều mọi phụ nữ nên biết về căn bệnh này

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu phụ nữ được tiêm ngừa ung thư cổ tử cung và được khám, tầm soát định kỳ, 

Ung thư cổ tử cung thường gặp nhất ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Khi người bệnh nhiễm các type Human Papilloma Virus (HPV) có nguy cơ cao, tồn tại dai dẳng đã được khẳng định là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung.

Có nhiều yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển ung thư cổ tử cung từ nhiễm HPV (virus u nhú ở người): Sinh nhiều lần, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, hút thuốc lá… Ung thư cổ tử cung có liên quan với suy giảm miễn dịch, tần suất gia tăng ở những bệnh nhân ghép tạng và những người nhiễm HIV/AIDS.

Dấu hiệu nhận biết

Khi chị em mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu hoặc có giai đoạn tiền ung thư thường không có triệu chứng. Khi có các dấu hiệu khác thường như huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi hoặc có lẫn một chút máu, chảy máu bất thường trong âm đạo (chảy máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, ra máu âm đạo trong suốt thời gian dài, ra máu âm đạo sau thời kỳ mãn kinh), vùng xương chậu thường xuyên có cảm giác đau, cảm giác đau khi quan hệ tình dục, bạn cần phải đi khám phụ khoa ngay. Đây là những dấu hiệu cảnh báo giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh. Khi bệnh nặng, có chảy dịch nhiều lẫn máu từ âm đạo kèm với đau nhức vùng lưng, vùng chậu hoặc ở chân.

HPV lây qua đường tình dục


HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục, lây khi tiếp xúc qua da. 80% phụ nữ đã từng có quan hệ tình dục sẽ bị mắc HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Phần lớn mọi người bị nhiễm đều không có bất kỳ dấu hiệu nào. HPV có thể tự biến mất mà không gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe nào. Một tỉ lệ nhỏ trong số đó sẽ là nguyên nhân gây ung thư. Nhiễm dai dẳng là nguyên nhân tổn thương tiền ung thư hay ung thư.

Có thể giảm nguy cơ bị nhiễm HPV bằng cách sống chung thủy một vợ một chồng, hạn chế số bạn tình. Những vùng bao cao su không che kín được vẫn có thể bị nhiễm virus.

Hiện nay đã có vắc-xin ngừa những type HPV gây bệnh phổ biến nhất và việc chủng ngừa song song với khám tầm soát định kỳ sẽ giúp chị em phòng ngừa bệnh này tốt nhất. Có 2 loại vắc-xin đã được công nhận có tác dụng ngăn ngừa HPV và đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Vắc-xin được cấp phép để tiêm ngừa cho trẻ gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Tốt nhất nên tiêm vắc-xin trước khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Những  phụ nữ đã được tiêm vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung vẫn cần khám và tầm soát ung thư cổ tử cung đều đặn.

Việc khám phụ khoa và thực hiện tầm soát bằng phết tế bào cổ tử cung (pap smear) ít nhất mỗi năm một lần là rất cần thiết đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Phương pháp này giúp kiểm tra và phát hiện sớm các thay đổi ở tế bào để có thể chữa trị các tổn thương lành tính ở cổ tử cung hoặc ung thư ở các giai đoạn đầu để có thể chữa trị trước khi bệnh tiến triển quá nặng. Tình huống tử vong do ung thư cổ tử cung sẽ là rất hiếm nếu bệnh được phát hiện sớm.

Vắc xin ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, bất kể đã có quan hệ tình dục hay chưa.


Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định ba liều, hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung gây ra bởi hai chủng HPV 16, 18 cũng như các mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn…

( Theo Báo sức khỏe và đời sống)