Rượu bia tác động đến tuyến tụy như thế nào?

Nhiều người thường nghĩ uống rượu bia nhiều sẽ gây viêm gan, viêm dạ dày… tuy nhiên rượu bia còn có thể gây ra viêm tụy cấp. Vậy rượu bia tác động đến tuyến tụy như thế nào?

Viêm tụy cấp là một quá trình tổn thương cấp tính của tụy, bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp từ viêm tụy cấp nhẹ thể phù đến viêm tụy cấp nặng thể hoại tử với các biến chứng suy đa tạng nặng nề, tỉ lệ tử vong cao, trong đó mức độ hoại tử liên quan đến độ trầm trọng của bệnh.

Vì sao bia rượu gây viêm tụy cấp?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp, đứng hàng đầu là do sỏi mật và nghiện rượu, tiếp sau đó là do tăng triglyceride gây viêm tụy cấp. Ngày nay nguyên nhân gây viêm tụy cấp do cơ học có phần giảm xuống, thay vào đó nhóm nguyên nhân không do cơ học như sử dụng rượu, tăng Triglycerid tăng lên do thói quen lạm dụng rượu bia còn nhiều và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý.

Vậy nhiều người thắc mắc rượu bia tác động thế nào đến tuyến tụy. Thống kê cho thấy, sau mỗi mùa nghỉ lễ đặc biệt là dịp Tết, tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện vì viêm tụy cấp tăng lên rất nhiều. Những buổi liên hoan, tiệc tùng rượu bia liên miên chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm tụy cấp  

 

 

Nghiện rượu nặng và lâu dài là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm tụy mạn tính. Một số ước tính cho thấy việc sử dụng đồ uống có cồn gây ra khoảng 70% trường hợp viêm tụy mạn tính ở người lớn. Viêm tụy mạn tính hiện nay vẫn chưa thể điều trị triệt để và có xu hướng diễn tiến ngày càng nặng thêm, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống người bệnh.

Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp. Bất cứ lúc nào phát hiện thấy triệu chứng bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm tụy có biểu hiện như thế nào?

Khi viêm tụy người bệnh có biểu hiện như: Đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên. Người bệnh có thể nôn và buồn nôn xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng. Biểu hiện chướng bụng và bí trung đại tiện xảy ra với thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần.  

 

 

Cần làm gì để phòng bệnh?

Tụy là cơ quan quan trọng tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn và tham gia điều tiết đường huyết của cơ thể, với nhiều chức năng quan trọng. Do đó bảo vệ tuyến tụy khỏe giúp cơ thể hoạt động bình thường, ngoài việc phòng tránh các nguyên nhân tắc nghẽn cơ học gây viêm tụy cấp, còn phải duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, đặc biệt tránh sử dụng rượu bia không cần thiết.

Rượu bia ngoài việc là tác nhân gây viêm tụy cấp, chúng còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý khác như bệnh lý xơ gan, viêm gan, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa đã được chứng minh có liên quan đến sử dụng rượu bia. Nếu sau khi uống bia rượu có biểu hiện nghi ngờ viêm tụy cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Bởi viêm tụy cấp là một cấp cứu nội khoa, có thể diễn tiến nặng và có nhiều biến chứng. Ngay sau khi được chẩn đoán viêm tụy cấp, người bệnh được điều trị và theo dõi tích cực.

(Theo báo Sức khỏe – Đời sống)

                                                                              Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)