Hội nghị trực tuyến tăng cường giám sát và phòng chống bệnh Sởi khu vực phía Nam năm 2024

         

Ngày 14/03/2024, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường giám sát và phòng chống bệnh Sởi khu vực phía Nam (KVPN) năm 2024 với sự tham dự của đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện chuyên khoa Nhi, Bệnh viện chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tại các điểm cầu thuộc 20 tỉnh/thành khu vực phía Nam. TS .Nguyễn Vũ Thượng - Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị. 

Tại điểm cầu Lâm Đồng có sự tham dự của lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng và các cán bộ chuyên trách các khoa, phòng liên quan.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng

Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tại Châu Âu số ca mắc sởi năm 2023 so với năm 2022 tăng 62 lần, tại Tây Thái Bình Dương tăng 3,7 lần. Quốc gia lân cận có số ca mắc sởi tăng cao như: Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Philippines và chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong giai đoạn dịch COVID-19 từ năm 2020-2022, toàn cầu trì hoãn hơn 61 triệu liều vắc xin sởi, đây là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi.

Tại Việt Nam, 13 năm gần đây (2011-2023) cho thấy 2 vụ dịch lớntoàn quốc là năm 2014 và 2019 (cách nhau 4 năm), số ca tập trungnhiều tại miền Bắc và miền Nam, từ tháng 2 đến tháng 6. Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 và mũi 2 từ năm 2021 đến nay đều dưới 90%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để phòng, chống dịch bệnh sởi lây lan trong cộng đồng, ngưỡng miễn dịch cộng đồng cần đạt từ 90-95%. Do vậy, trong thời gian tới, bệnh sởi có nguy cơ lây lan và gây dịch tại các tỉnh khu vực phía Nam cũng như trên cả nước. Để chủ động ứng phó với bệnh sởi, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần chủ động tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra phòng chống bệnh sởi theo hướng dẫn tại các văn bản, tài liệu gồm: Quyết định số 4845/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 23/12/2012 về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella; Thông tư số 17/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 17/07/2019 về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm;…Đồng thời, cần thực hiện tốt các giải pháp:  Giám sát tốt (phát hiện sớm, báo cáo nhanh, xét nghiệm tối đa); Đáp ứng nhanh; Quản lý đối tượng chưa tiêm, gia tăng tỉ lệ tiêm; Điều trị tốt, kiểm soát nhiễm khuẩn và Tập huấn, kiểm tra giám sát.

Ninh Thu - Thụy Hợp CDC Lâm Đồng