XÂY DỰNG KẾ HOẠCH AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG – VIỆC PHẢI LÀM!
CKI. YTCC Phạm Thị Quỳnh – Khoa SKMT-YTTH-BNN
Trong thời kỳ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền sản xuất. Bên cạnh sự quan tâm đến lợi ích kinh tế thì việc quan tâm chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động là đảm bảo lợi ích lâu dài và bền vững về lực lượng sản xuất. Vì vậy mà nhà nước ta đã ban hành hệ thống văn bản Luật, Nghị định, Thông tư quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở lao động nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người lao động trong các cơ sở lao động.
Việc phải làm đầu tiên để đảm bảo thực hiện đầy đủ - tránh bỏ sót các quy định về an toàn, vệ sinh lao động là hàng năm người sử dụng lao động của cơ sở lao động phải xây dựng và ban hành kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Nghị định tại 12/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì sẽ xử phạt mức từ 5-10 triệu đồng với vi phạm: Cá nhân không xây dựng, ban hành hoặc không tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc khi xây dựng không lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Và gấp đôi mức phạt đối với tổ chức vi phạm.
Để thực hiện xây dựng Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải dựa trên các căn cứ:
- Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
- Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước.
- Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch.
- Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra.
Và kế hoạch phải có đầy đủ 05 nội dung chủ yếu sau đây:
- Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;
- Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;
- Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;
- Chăm sóc sức khỏe người lao động;
- Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải đảm bảo có quy định về nhân lực, thời gian và kinh phí thực hiện cho từng nội dung cụ thể. Dựa trên Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động đã được kí hành các cán bộ được phân công thực hiện sẽ xây dựng kế hoạch triển khai nội dung đã được phân công.
Song song với việc triển khai kế hoạch thì công tác tự kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung của kế hoạch và lập báo cáo kết quả gửi cho người sử dụng lao động cũng phải được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Một kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động đáp ứng theo quy định đảm bảo cho công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động đạt hiệu quả tốt, duy trì lực lượng lao động có chất lượng cao và bền vững, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm và chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động./.
Phạm Thị Quỳnh