TRIỂN KHAI UỐNG THUỐC TẨY GIUN TRONG TRƯỜNG HỌC
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Trẻ nhỏ thường hiếu động hay bò chơi lê la trên sàn nhà rồi lại mút tay,…Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao mắc phải các loại giun, do ý thức vệ sinh tay chưa cao.
Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác, lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
Trẻ bị nhiễm giun sẽ hay rối loạn tiêu hóa, đau bụng vặt, buồn nôn, ... Có một số trẻ bị nhiễm giun nặng thì suy dinh dưỡng. Nếu nhiễm giun tóc, giun móc sẽ gây thiếu máu. Thông thường trẻ từ 02 tuổi trở lên mới nên tẩy giun. Tuy nhiên, trong những trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng chậm lớn, sống trong môi trường có nguy cơ nhiễm giun (khu chăn nuôi, trồng trọt, khu vực chợ kém vệ sinh, ...), hay mẹ nghi ngờ do bị nhiễm giun, có thể tẩy giun sớm hơn.
Trẻ 01 tuổi cũng có thể tẩy giun được, nhưng phải chọn loại thuốc thích hợp. Nếu có kế hoạch mang thai, chị em nên tẩy giun trước đó (định kỳ 06 tháng/01 lần).
Học sinh Trường tiểu học Cửu Long – Đà Lạt uống thuốc sổ giun
Vừa qua, Trung tâm Y tế Đà Lạt phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố, Trạm Y tế phường/xã và các Trường Tiểu học trên địa bàn triển khai Kế hoạch số 70/KH-TTYT ngày 20/4/2023 thực hiện tẩy giun đợt 01 cho học sinh tiểu học tại các vùng nguy cơ cao. Kết quả, toàn thành phố đã tiến hành tẩy giun cho 6.078/6.243 học sinh đạt 97,36%. Ngọc Bích (TTYT Đà Lạt)