Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

 

Ngày 29/12/2021 Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 3928/SYT-NVY về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện Công văn số 11011/BYT-KCB ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm để phát hiện người mắc COVID-19 và cho người bệnh ra viện, Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và Công văn số 9453/UBND-VX3 ngày 26/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc dừng hoạt động các chốt và tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cụ thể như sau:

1.Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp đi từ các vùng nguy cơ/vùng dịch tễ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định. Đối với những người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 3, cấp 4 thực hiện cách ly y tế và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định tại Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của UBND tỉnh. Tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chú ý, khuyến cáo người dân, khách du lịch tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 để theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình. Phối hợp với cơ quan truyền thông tại địa phương tăng cường tuyên truyền để mọi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc: 5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân; gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi có trường hợp tự xét nghiệm dương tính hoặc có biểu hiện nghi mắc COVID-19 thì báo cho y tế địa phương để kịp thời hỗ trợ, cách ly, điều trị theo quy định. Tổ chức chăm sóc và điều trị, sử dụng thuốc kháng vi rút cho người mắc Covid-19 F0 tại nhà theo Kế hoạch số 2833/SYT-NVY ngày 29/12/2021 của Sở Y tế Lâm Đồng về sử dụng thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID-19 tại nhà thuộc Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm vắc xin, thành lập các Tổ tiêm vắc xin lưu động đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao không được tiêm vắc xin đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không đi lại được. Chú ý, tiêm đủ 03 mũi cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và khi bị F0 phải được theo dõi sát, phân tầng điều trị đúng và chuyển lên tầng trên kịp thời để hạn chế tử vong. Những trường hợp chống chỉ định, lãnh đạo đơn vị và Bác sĩ tại các điểm tiêm cấp giấy xác nhận về chống chỉ định tiêm vắc xin cho đối tượng.

2.Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành: Xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch cụ thể, không để bị động, đề nghị các đơn vị rà soát năng lực đáp ứng điều trị về nhân lực, thuốc, vật tư xét nghiệm, ô xy y tế…để đảm bảo phương châm 4 tại chỗ theo quy định. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp thuốc, không được quản lý, và cách ly, theo dõi sức khỏe. Chủ động sắp xếp việc tiếp nhận và tổ chức thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn đảm bảo hợp lý: phân tầng, phân nhóm nguy cơ…theo đúng quy định, kịp thời xử trí bệnh nhân chuyển nặng, giảm tử vong. Không để quá tải tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn, chủ động rà soát các cơ sở đủ điều kiện báo cáo Sở Y tế để trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ  sở điều trị theo đúng quy định. Phối hợp với các đơn vị cung ứng đảm bảo nguồn cung cấp oxy y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh. Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế. Điều trị F0 tại nhà theo Kế hoạch số 2833/SYT-NVY ngày 29/12/2021 của Sở Y tế Lâm Đồng về sử dụng thuốc Molnupiravir cho người mắc COVID- 19 tại nhà thuộc Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

3.Về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19:

3.1.Ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) là một trong số các trường hợp sau:

a.Là người tiếp xúc gần (F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

b. Là người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1) và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng như trên. c.Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại mục 4.2. ca bệnh xác định (F0), điểm b, c và d).

* Người có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1): Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định (F0) đang trong thời kỳ lây truyền. Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.

3.2. Ca bệnh xác định (F0) là một trong số các trường hợp sau: 

a.Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (PCR). 

b.Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

c.Là người có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 (ca bệnh nghi ngờ tại mục 4.1, điểm a) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1).

d. Là người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ (không bao gồm F1). 

Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

* Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0. Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE). Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 02 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 02 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30.

4.Xét nghiệm cho người bệnh ra viện: Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện.

a.Đối với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi: Thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày; Kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 do NVYT thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép); Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

b.Đối với người bệnh COVID-19 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị

- Người bệnh COVID-19 đơn thuần: Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên; Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép); Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 07 ngày. Đo thân nhiệt 02 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38ºC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.

- Người bệnh COVID-19 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh COVID-19 hết trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên; Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép); Người bệnh được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêng của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú. Đo thân nhiệt 02 lần/ngày. Tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)