Tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật

về công tác phòng, chống mua bán người

 

    Thực hiện Công văn số 4546/BYT-TTrB ngày 20/7/2023 của Bộ Y tế                 về việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban tư pháp Quốc hội Khóa XV về chấp hành quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người (theo  Kiến nghị số 2247/KN-UBTP15 ngày 20/6/2023 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội Khóa XV).       

          Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống mua bán người tại các cơ sở y tế, bảo đảm môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh; Ngày 27/7/2023 Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 2306/SYT-TTr về việc tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau:

          Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; các văn bản liên quan của Quốc hội, Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an, Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Sở Y tế.

          Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế về các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; tình hình tội phạm, nguy cơ, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người.

          Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC- BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; Quy chế số 2070/QC-CA-YT ngày 19/11/2014 phối hợp giữa Công an tỉnh Lâm Đồng và Sở Y tế Lâm Đồng về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với chính quyền và cơ quan Công an địa phương phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm tại các cơ sở y tế, những nơi có mật độ người dân đến khám bệnh, chữa bệnh nhiều, tập trung tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa Nhi, khoa Sản, khoa Ngoại….; cảnh báo người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế đề cao cảnh giác đối với các đối tượng lợi dụng việc cho, tặng mô, tạng để mua bán trái phép bộ phận cơ thể người, mua bán trẻ em, phụ nữ và các trường hợp mang thai hộ trái quy định.

          Tích cực phối hợp có hiệu quả với Cơ sở bảo trợ xã hội/ Cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại địa phương trong việc hỗ trợ y tế cho nạn nhân bị mua bán ổn định về tinh thần và thể chất để hòa nhập cộng đồng theo quy định tại Điều 45 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. ( NINH THU – TTGDSK)