THÔNG ĐIỆP ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM PHỤC VỤ FESTIVAL HOA ĐÀ LẠT LẦN THỨ X NĂM 2024 

VÀ TẾT DƯƠNG LỊCH NĂM 2025

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – năm 2024 được xác định là sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô cấp tỉnh hướng tới quy mô quốc gia và quốc tế; là lễ hội văn hóa - du lịch của tỉnh Lâm Đồng được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến với du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội gồm nhiều chương trình đặc sắc nhằm thu hút đông đảo du khách tham gia.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khoẻ cho du khách và người dân tham gia Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – năm 2024 và dịp Tết dương lịch 2025. Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Đối với các cơ quan chức năng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trước, trong thời gian diễn ra Festival hoa và dịp Tết dương lịch;

Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, quyết liệt xử lý nhằm ngăn chặn kịp thời các sai phạm làm mất an toàn thực phẩm;

Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, kịp thời ứng phó khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.

2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống

Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác.

Đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm;

Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đủ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh chất lượng, nhãn mác đúng quy định, còn hạn sử dụng, đạt về cảm quan...

Không sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngoài danh mục được phép sử dụng, không đảm bảo theo quy định;

Chỉ sử dụng nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

Bảo quản thực phẩm theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng thực phẩm, tránh ô nhiễm chéo. 

Thực hiện tốt các quy định về bảo quản, vận chuyển thực phẩm.

Chỉ sử dụng người trực tiếp sản xuất, chế biến, phục vụ đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe, không đang mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định

Chỉ kinh doanh, buôn bán những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Chú ý các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn trong bảo quản tại kho hàng, cửa hàng và trong quá trình vận chuyển lưu thông.

3. Đối với người tiêu dùng thực phẩm

Hãy là người tiêu dùng thông thái, không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

“Vì sự phát triển bền vững và sức khoẻ cộng đồng hãy nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm”

(Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng)