TĂNG HUYẾT ÁP- NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (hypertension) hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Chỉ số huyết áp:
Huyết áp bình thường khi đo <130/85 mmHg,
Tiền tăng huyết áp: chỉ số huyết áp trong khoảng 130-139/85-89 mmHg
Tăng huyết áp: chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác và là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn cầu.
Tình hình bệnh Tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là vấn đề của cộng đồng, ước tính năm 2025 trên thế giới có 1,25 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp. Ở nước ta hiện nay cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Trong đó có nhiều người bị tăng huyết áp mà không điều trị hoặc điều trị chưa đúng quy trình.
Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp hơn 7 triệu người.
Tại Việt Nam theo kết quả điều tra STEP năm 2021,ước tính năm 2019, cả nước có 556.000 ca tử vong, trong đó chủ yếu là các bệnh tim mạch chiếm 39,5%.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ cao huyết áp:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ít rau củ trái cây.
- Ít vận động.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều rượu.
- Thừa cân béo phì.
- Căng thẳng, lo lắng
- Trên 65 tuổi: nguy cơ tăng lên cùng tuổi tác.
- Tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp.
Phần lớn người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh vì chưa bao giờ được chẩn đoán. Tăng huyết áp sở dĩ được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không gây ra triệu chứng, cho đến khi xảy ra biến chứng mới được phát hiện.
Một số biến chứng do bệnh Tăng huyết áp gây nên:
- Bệnh mạch máu ngoại vi
- Cơn đau thắt ngực
- Nhồi máu cơ tim – tình trạng nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, làm chết tế bào tim. Nhồi máu cơ tim là trường hợp cấp cứu, thời gian càng lâu tổn thương tim càng lớn.
- Đột quỵ xuất huyết não – khi mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao. Hoặc đột quỵ nhồi máu não – khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn, dẫn đến tế bào não chết đi nhanh chóng. Đột quỵ là tình trạng có thể gây tử vong nhanh chóng, cần được cấp cứu kịp thời, để hạn chế tối đa biến chứng về thần kinh và vận động.
- Suy tim.
- Suy thận.
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
- Tử vong.
Giáo dục, phòng bệnh:
* Tích cực thay đổi lối sống:
a) Chế độ ăn hợp lý:
- Giảm ăn muối, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng;
- Tăng cường rau xanh, quả tươi, nhiều màu sắc, ưu tiên các loại hạt thô, dầu thực vật;
- Hạn chế thức ăn nhiều cholesterol và axít béo no; cân đối dầu thực vật và mỡ động vật;
- Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đồ uống ngọt có gas.
b) Duy trì cân nặng lý tưởng: BMI 18,5 đến 22,9 kg/m2; vòng bụng <90cm (nam) và <80cm (nữ);
c) Không nên uống rượu bia, nếu có uống thì nên hạn chế; nam mỗi ngày chỉ uống £ 02 đơn vị cồn, nữ £ 1/2 nam (01 đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330ml (5%=5 độ cồn). Công thức tính: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi). Có thể tính nhanh 1 đơn vị bằng 01 chén/ly/cốc (loại chuyên dùng để uống loại rượu, bia đó)).
d) Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào kể cả các dạng khác như hút thuốc lá điện tử.....cũng như tránh xa môi trường có khói thuốc;
e) Tăng cường hoạt động thể lực: ≥ 150 phút/tuần (ít nhất là ở mức độ vừa phải, 30-60 phút/ngày, kết hợp các bài tập cơ tĩnh và động);
f) Tránh lo âu, căng thẳng; cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột.
* Tuân thủ điều trị, không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều khi không có chỉ định của Bác sĩ.
Tất cả mọi người nên thường xuyên kiểm tra huyết áp nhất là những người lớn tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp ít nhất 01 lần/năm để phát hiện sớm khi mới bị bệnh và tránh biến chứng xảy ra.
Thùy Vinh (Khoa PCBKLN)