TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG MÙA BÃO LŨ SAU CƠN BÃO SỐ 2

 

Thực hiện Công điện số 6331/CĐ-UBND ngày 26/7/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; Ngày 30/7/2024, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 2346/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường mùa bão lũ sau cơn bão số 2, đề nghị các đơn vị y tế trong toàn ngành triển khai thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Sở Y tế tại Công văn số 2226/SYT-NVY ngày 22/7/2023 của Sở Y tế về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.

Xây dựng hoặc rà soát, bổ sung vào kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa của đơn vị các nội dung chi tiết về công tác chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, nhân lực, các phương án xử lý nước ăn uống, đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế nhằm phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân khi xảy ra bão lũ.

Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trong mùa bão lũ.

Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, nhất là bệnh sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

 Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Tổ chức các đoàn công tác của đơn vị thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân. Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt; Tăng cường tuyên truyền, tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân các biện pháp vệ sinh môi trường và xử lý nước ăn uống để phòng chống dịch bệnh khi có bão lũ xảy ra .

Nguyễn Bình (Khoa SKMT-YTTH-BNN) - Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)