SỞ Y TẾ LÂM ĐỒNG CHỈ ĐẠO KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP

 PHÒNG, CHỐNG BỆNH TIÊU CHẢY TRÊN ĐÀN BÒ SỮA TẠI HUYỆN ĐƠN 

DƯƠNG, ĐỨC TRỌNG VÀ PHÒNG NGỪA VIỆC LÂY TRUYỀN BỆNH TỪ GIA 

SÚC SANG NGƯỜI

 

Thực hiện Văn bản số 6785/UBND-NN ngày 10/8/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng; Ngày 12/8/2024 Sở Y tế ban hành văn bản số 2500/SYT-NVY, đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng

- Chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng để hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh môi trường, phòng chống việc lây truyền bệnh từ gia súc sang người.

- Phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch lây truyền từ động vật sang người. Khi phát hiện ca bệnh phải giám sát chặt chẽ các trường hợp bị bệnh, điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời theo đúng các quyết định Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hội chẩn, chẩn đoán, tư vấn điều trị kịp thời.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, đặc biệt là Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng và Đơn Dương huy động lực lượng cán bộ y tế khi cần thiết phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác phòng, điều trị bò bị bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh môi trường, phòng chống việc lây truyền bệnh từ gia súc sang người.

- Hướng dẫn cán bộ tham gia phòng chống dịch tiêu chảy trên bò các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: đeo khẩu trang, găng tay, mang trang phục phòng hộ cá nhân và rửa tay thường xuyên.

- Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các biện pháp phát hiện, phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người và truyền thông đến đại chúng với nhiều hình thức (Tờ rơi, Pano, Poster…) về các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh. 

Nguyễn Thơm (CDC Lâm Đồng)