NGÀNH Y TẾ LÂM ĐỒNG

TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI

 

Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều

Bệnh Sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trường học. Trẻ em không được tiêm vắc xin Sởi và những người không có miễn dịch với vi rút Sởi đều có thể bị mắc Sởi.

Tính đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh đã ghi nhận 24 ca bệnh Sởi (tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó: Bảo Lộc 11 ca, Bảo Lâm 04 ca, Di Linh 04 ca, Đam Rông 01 ca, Đạ Tẻh 01 ca, Lâm Hà 01 ca, Cát Tiên 01 ca, Đạ Huoai 01 ca.

Từ đầu năm 2024 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 13.099 trẻ đã tiêm chủng vắc xin phòng Sởi (đạt 70,3%) và 11.033 trẻ đã tiêm chủng vắc xin phòng Sởi – Rubella (đạt 60,81%).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ 4.270 liều vắc xin Sởi - Rubella cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để triển khai thực hiện tiêm tiêm bù, tiêm vét cho trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi trong tháng 9/2024. Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ từ 18 tháng đến dưới 10 tuổi ngay khi nhận được vắc xin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

 

 

Tiêm vắc xin phòng bệnh tại xã Liêng Srônh huyện Đam Rông

 

Để phòng chống bệnh Sởi chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa  tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin Sởi hoặc trẻ từ 01 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.

2. Bệnh Sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh Sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.               

Kim Cúc  - Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)