NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÒNG CHỐNG

BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

 

Đái tháo đường là một bệnh không lây nhiễm, mạn tính, phổ biến trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm, biểu hiện bằng mức đường trong máu tăng cao.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) có 79,4% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động và sự đô thị hóa.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế, sự gia tăng nhanh của quá trình đô thị hóa, lối sống thiếu vận động thể lực, tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, mô hình bệnh tật đang thay đổi từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ bệnh Đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh chóng. Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm (2002- 2012) tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở đối tượng 30-69 tuổi đã tăng lên 2 lần từ 2,7% lên 5,4%, tiền đái tháo đường từ 7,3% lên 13,7%.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), đái tháo đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu do hậu quả của việc thiếu hoặc mất hoàn toàn insulin hoặc do liên quan đến sự suy giảm trong bài tiết và hoạt động của insulin.

Bệnh Đái tháo đường bao gồm các loại:

  •  Đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
  •  Đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin .
  •  Đái tháo đường thai kỳ (là Đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về Đái tháo

đường type 1, type 2 trước đó).

  • Các loại Đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác như: đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…..

Triệu chứng kinh điển nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút nhiều. Nhưng hầu như đái tháo đường type 2 người bệnh không rõ triệu chứng, chỉ khi đi xét nghiệm đường huyết mới phát hiện bệnh.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gồm yếu tố thay đổi được và yếu tố không thay đổi được:

  • Yếu tố thay đổi được: dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân, béo phì, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia;
  • Yếu tố không thay đổi được: Gen; Lão hóa; Đái tháo đường thai kỳ.

Nếu người bệnh không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp: Bệnh tim mạch, mù lòa, đột quỵ, bệnh thận, bệnh thần kinh. Trong đó phải kể đến là biến chứng bàn chân đái tháo đường, loét bàn chân đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cắt cụt chi không do chấn thương.

  • Biến chứng mạch máu: Tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây vữa xơ động mạch. Tổn thương mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân Đái tháo đường rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử. Tổn thương mạch máu nhỏ gây ra rối loạn chức năng một số cơ quan như thận, tiết niệu, võng mạc mắt, nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến suy thận, mù lòa (suy giảm thị lực).
  • Biến chứng não: tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não.
  • Biến chứng hô hấp: dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.
  • Biến chứng tiêu hoá: viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.
  • Biến chứng thận, tiết niệu: rối loạn chức năng thận và bàng quang, mà

điển hình là suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.

  • Biến chứng thần kinh: thường có cảm giác đau, rát bỏng ở các đầu chi; teo cơ...
  • Biến chứng ở da: Ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng; xuất hiện các u màu vàng gây ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, nấm da, viêm mủ da.

Làm gì khi bị bệnh đái tháo đường? Đối với những người đã mắc bệnh đái tháo đường cần đến trạm y tế để được tư vấn; quản lý, điều trị. Đi khám định kỳ và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết và phòng tránh các biến chứng.

Bệnh Đái tháo đường có phòng được không? Trước sự gia tăng về tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng của bệnh Đái tháo đường, việc dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng các biến chứng là thực sự cần thiết. Bệnh Đái tháo đường có thể dự phòng được bằng cách điều chỉnh những yếu tố nguy cơ thay đổi được như: nếu bạn hút thuốc lá cần bỏ ngay, không uống rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, ăn ít đường, ít mỡ, giảm ăn muối dưới 5g/ngày, tích cực hoạt động thể lực: tối thiểu 30 phút/ngày, 05 ngày/ tuần. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của bệnh đái tháo đường, hàng năm  Khoa Phòng chống Bệnh không lây nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng tập huấn kiến thức về khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho tuyến y tế cở sở, chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ công tác khám sàng lọc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Qua các đợt khám sàng lọc kịp thời phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường, giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định, đưa vào quản lý và điều trị, truyền thông, tư vấn cho người dân hiểu biết về bệnh để phòng chống tốt hơn.

Hãy kiểm soát bệnh đái tháo đường ngay từ bây giờ!

                                                                   Khám sàng lọc bệnh đái tháo đường tại TYT xã Tân Châu huyện Di Linh năm 2022

                                                                                                  Lê Thị Thanh Thắm – CDC Lâm Đồng