Nhận biết yếu tố nguy cơ để phòng ngừa tăng huyết áp
Tăng huyết áp ban đầu thường không có triệu chứng, sẽ tiến triển thầm lặng, cho nên tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng". Hiện nay tỷ lệ bị tăng tăng huyết áp đang dần trẻ hóa do ảnh hưởng bởi lối sống, sinh hoạt.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp được chia thành 2 nhóm là yếu tố không thay đổi được và yếu tố thay đổi được.
Yếu tố nguy cơ không thay đổi được
- Tuổi: Tuổi càng cao càng dễ mắc tăng huyết áp.
- Giới: Nam giới có tỷ lệ mắc cao huyết áp cao hơn so với nữ giới.
- Di truyền: Gia đình có người mắc tăng huyết áp thì khả năng mắc tăng huyết áp cao hơn.
Yếu tố nguy cơ thay đổi được
- Hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Ít vận động: Vận động thể lực dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày/tuần (bao gồm thể dục, thể thao, đi bộ và lao động chân tay).
- Thói quen ăn mặn.
- Ăn ít rau, trái cây.
- Uống nhiều rượu bia.
- Hay bị stress và căng thẳng tâm lý.
- Thừa cân, béo phì.
- Mắc các bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Kiểm soát nguy cơ tăng huyết áp
- Thay đổi lối sống của người bệnh có thể giúp kiểm soát và quản lý huyết áp cao.
- Giảm cân: Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên, thừa cân cũng có thể gây ra gián đoạn hô hấp khi người bệnh ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng huyết áp hơn nữa. Giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì, giảm dù chỉ một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Mục tiêu chung là dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày. Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn một chế độ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.
Giảm muối trong chế độ ăn uống: Để giảm muối trong chế độ ăn uống cần ăn ít thực phẩm chế biến sẵn.
Hạn chế uống rượu bia: Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng huyết áp, ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng cảm xúc lâu dài (mạn tính) có thể góp phần làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, không thể xác định được nguyên nhân gây ra căng thẳng, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật và tìm cách giảm căng thẳng.
BS Mỹ Huyền – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)