NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SÁN LÁ GAN NHỎ: CLONORCHIASIS

 

Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng. Bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật

          Tại một số địa phương, người dân có tập quán, thói quen ăn gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh chưa được nấu chín, cùng với sự gia tăng của giao lưu ẩm thực giữa các vùng miền là những yếu tố thuận lợi gây mắc các bệnh sán như sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn... trong cộng đồng. Bệnh sán lá gan nhỏ gây viêm đường mật, viêm túi mật, gây sỏi mật, xơ gan, xơ hóa đường mật, ung thư đường mật...

          Do vậy, việc tiến hành phòng chống bệnh ký sinh trùng ở các vùng nông thôn, vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa đã thực sự trở thành vấn đề quan trọng và cần thiết trong hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Các bệnh do giun, sán nói chung, bệnh sán lá gan nhỏ nói riêng thuộc nhóm bệnh C theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. ICD-10,  mã: B66.1

 1. Đặc điểm của bệnh:

- Triệu chứng: thường có triệu chứng đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu); đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh.

- Ca bệnh xác định

+ Xét nghiệm: tìm thấy trứng sán  trong phân hoặc dịch tá tràng.

+ Phương pháp xét nghiệm: xét nghiệm phân theo phương pháp Kato

+ Thử test trong da với kháng nguyên C.sinensis cho thấy độ nhạy 83,1%, độ đặc hiệu 77,85, có 145 dương tính giả ở nhiễm nhẹ, 3% dương tính giả ở nhiễm trung bình và 2% dương tính giả ở nhiễm nặng.

- Siêu âm gan có hình ảnh gan tăng sáng, ống mật có thể bị giãn, thành ống mật và thành túi mật dày.

- Cần phân biệt với một số bệnh tương tự như: Viêm gan siêu vi, áp xe gan do các loại ký sinh trùng khác (amíp, giun đũa, toxocara...) hoặc do vi khuẩn (áp xe đường mật), ung thư gan (u gan), cơn đau dạ dày...

2. Tác nhân gây bệnh:

- Tên tác nhân: Sán lá gan nhỏ: có 3 loại Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus. Ở Việt Nam chủ yếu là loại Clonorchis sinensis. Đã xác định phân bố ít nhất 21 tỉnh thành phố

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Trứng sán có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 700C trứng sẽ bị hỏng. Tuy nhiên, trứng sán muốn phát triển thành ấu trùng phải có môi trường nước, nếu trên cạn trứng sẽ bị hỏng và không phát triển được, khả năng tồn tại của sán lá gan trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.

 

1. Sán trưởng thành ký sinh ở đường mật đẻ trứng, trứng theo mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng được rơi vào môi trường nước
2.Trứng bị ốc nuốt nở ra ấu trùng lông để phát triển thành ấu trùng đuôi.
3.Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước.

4. Ấu trùng đuôi xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh ở trong thịt của cá.

5. Người (hoặc động vật) ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
6. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng

 

3. Nguồn truyền nhiễm:

- Ổ chứa: vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, hổ báo, cáo chồn, rái cá, chuột; vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài ốc Bythinia, Melania...

- Thời gian ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh của sán lá gan nhỏ không rõ ràng và phụ thuộc vào cường độ nhiễm sán, thường nhiễm trên 100 sán, triệu chứng mới rõ rệt.
- Thời kỳ lây truyền: Sau khi xâm nhập vào nhu mô gan, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành và đẻ trứng trong các đường dẫn mật, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân và xuống nước phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền qua đường ăn cá sống có nang trùng.

4. Phương thức lây truyền:

- Bệnh sán lá gan nhỏ: người hoặc động vật ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.

5. Các biện pháp phòng ngừa:

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: về tác hại và đường lây truyền của bệnh sán lá gan nhỏ; không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.

- Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.

- Tổ chức: nếu có dịch xảy ra phải thành lập ngay Ban chỉ đạo các cấp khoanh vùng dập dịch.

- Chuyên môn:

+ thu dung bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị diệt mầm bệnh; kiểm soát trâu, bò vùng có dịch.

+ Kiểm dịch y tế biên giới: kiểm tra nguồn bò lai nhập khẩu vào trong nước;

+ Tuyên truyền người dân không ăn gỏi cá, không ăn rau sống mọc dưới nước. + Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan nhỏ tại vùng có dịch.

Lê Hoài Nam - Khoa KST-CT (CDC Lâm Đồng)