NHẬN BIẾT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH GIUN KIM

(ENTEROBIUS  VERMICULARIS)

 

          Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có gió mùa và có độ ẩm cao, rất thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển các bệnh ký sinh trùng đường ruột trong đó có bệnh giun kim (Enterobius vermicularis) gây tổn hại đến sức khỏe của người bệnh. Đồng thời có khả năng lây nhiễm nhanh, cho nên việc phòng ngừa là rất quan trọng. Theo thống kê, trẻ nhỏ là đối tượng nhiễm giun chiếm tỷ lệ cao hơn cả người lớn, nhiễm giun không chỉ làm cho trẻ chậm lớn mà còn làm cho trẻ giảm chỉ số thông minh. Do vậy, chúng ta nên có các biện pháp phòng ngừa bệnh giun kim để nâng cao chất lượng đời sống, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng tốt hơn.

Các bệnh do giun nói chung, bệnh giun kim nói riêng thuộc nhóm bệnh C theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. ICD-10, mã: B80.

1.Một số dấu hiệu nhận biết :

          + Trẻ em bị nhiễm giun kim thường ngứa và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc về đêm;

          + Quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn.

          + Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân.

          +  Giun kim có thể chui vào âm đạo gây viêm âm đạo hoặc rối loạn kinh nguyệt.

          + Giun kim có thể chui vào ruột thừa, viêm phổi, thực quản, hốc mũi, cổ tử cung ...gây viêm nhiễm.

- Xác định bệnh: có trứng giun bằng xét nghiệm hoặc thấy giun ở rìa hậu môn.

- Phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với rối loạn tiêu hoá do các nguyên nhân khác.

- Xét nghiệm:

          +  Loại mẫu bệnh phẩm: phân

          + Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Scotch hoặc kỹ thuật của GS. Đặng Văn Ngữ.

2. Tác nhân gây bệnh và phương thức lây truyền

- Tên tác nhân: Giun kim (Enterobius vermicularis).

- Hình thái: Giun kim có mầu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng. Giun đực dài khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục dài khoảng 70 mm. Giun cái dài 9 - 12 mm, đuôi dài và nhọn, hậu môn của giun kim cái cách mút đuôi khoảng 2 mm.
- Ổ chứa: là người đặc biệt là trẻ nhỏ.

- Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Khi nuốt phải trứng giun có ấu trùng vào dạ dày, ấu trùng thoát vỏ, di chuyển đến manh tràng và thành giun trưởng thành sau 2 - 4 tuần.

- Thời kỳ lây truyền:

          + Là khoảng thời gian từ khi giun kim cái trưởng thành được thụ tinh và đẻ trứng. Giun kim đực sẽ bị chết sau khi thụ tinh cho giun kim cái. Giun kim cái đẻ khoảng 4.000-16.000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun sẽ teo lại và chết. Đời sống của giun kim khoảng 1-2 tháng.

          + Qua đường ăn uống: do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ.

          + Tuy nhiên, giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng. Một số trứng ở vùng hậu môn có thể trở thành ấu trùng, ấu trùng chui vào hậu môn lên ruột để phát triển, do đó việc tái nhiễm giun kim rất dễ dàng.

 

 

3. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun kim, đặc biệt là trẻ nhỏ.

4. Các biện pháp phòng bệnh

          Bệnh có thể lây từ người này sang người khác, nhất là ở trẻ em. Để phòng ngừa và tránh tái nhiễm bệnh này chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

          + Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

          + Ăn chín uống chín, không nên ăn rau sống và các loại thực phẩm còn tái chưa được nấu chín vì có thể bị nhiễm ấu trùng giun.

          + Thường xuyên vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo. Phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải.

          + Không đi chân đất, nên mang dép kể cả khi ở trong nhà.    

          + Tránh chạm hoặc gãi hậu môn vì có nguy cơ tái nhiễm cho chính người bệnh và lây lan cho người xung quanh.

          + Đối với trẻ nhỏ (học sinh mầm non, tiểu học): Tẩy giun định kỳ 2 lần/ năm cách nhau 4-6 tháng. Nhà trường, phụ huynh hướng dẫn trẻ vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đồng thời nên cắt móng tay và không để trẻ mút tay, vì giun có thể xâm nhập vào.                                                           

                                          

                   BS Lê Hoài Nam (KHOA KST-CT - CDC Lâm Đồng)