NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24 THÁNG 3 NĂM 2024

Ngày Thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24 Tháng 3 năm 1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.

Công tác phòng chống lao trên thế giới đã bước sang một trang mới sau thành công của Hội nghị Cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao được tổ chức vào tháng 9 năm 2023 với sự tham gia của các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thể hiện cam kết chính trị, tinh thần quyết tâm cao nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến phòng chống lao.

Công tác phòng chống lao trên toàn cầu đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng, số người mắc lao mới được phát hiện là 7,5 triệu người vào năm 2022 – số lượng phát hiện và đưa vào điều trị cao nhất trong một năm so với các năm trước đây.

Phát huy những kết quả tích cực trong công tác phòng chống lao và những hiệu ứng thu được từ chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2023, năm nay, chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao thế giới vẫn giữ nguyên là: YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO).

Sự hồi phục mạnh mẽ của công tác phòng chống lao trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất trong năm 2022, 2023 sẽ là cơ sở để toàn thế giới tiếp tục tin tưởng vào “những điều tuyệt vời”, những khát vọng mà chúng ta đã đặt ra và một lần nữa khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu là hoàn toàn có thể.

Thông điệp của Ngày thế giới phòng chống lao tiếp tục nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

Chủ đề lạc quan này tiếp tục mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao độ, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.

Nếu các quốc gia tuân thủ các cam kết của mình, điều này sẽ đưa thế giới tiến đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và cứu sống cho 45 triệu người trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027.

Trên cơ sở chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao thế giới, chủ đề của Việt Nam năm 2024 là “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”.

Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao của Việt Nam như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể. Con người Việt Nam, đất nước Việt Nam, tất cả các tầng lớp nhân dân Việt Nam sẽ cùng chung tay trong công cuộc chấm dứt bệnh lao để cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm và góp phần cùng thế giới đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm đã tồn tại lâu đời và vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, kinh tế, xã hội của toàn thế giới như hiện nay.

Năm 2023 đã được coi là “năm của hy vọng”, và những kết quả tích cực trong công tác phòng chống lao là minh chứng cho thấy những hy vọng đó đã trở thành hiện thực, điều đó sẽ được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài chính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực.

Với chủ đề lạc quan “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”, Chương trình Chống lao Quốc gia muốn lan toả niềm tin, ý chí, khát vọng, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được để kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các Bộ/Ban/Ngành/Đoàn thể và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính bền vững để tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng. Việc mở rộng phối hợp y tế công – tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán lao ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống Chương trình Chống lao Quốc gia cũng là một can thiệp quan trọng cần đầu tư của chương trình.

Mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân.

 Ninh Thu - CDC Lâm Đồng