Ngày Dân số Việt Nam năm 2024
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc," Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay không chỉ tôn vinh những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực dân số và phát triển, mà còn nhấn mạnh những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt như tốc độ già hóa dân số, bất bình đẳng giới và chất lượng cuộc sống.
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và luôn có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh thế giới và tình hình thực tế của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều phương pháp sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt trên 104 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16% dân số. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có trên 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già. Trong khi các nước có cả trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ. Già hóa dân số có tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta cả trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động, từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tiềm năng tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc vào mức tăng năng suất lao động và tỷ lệ tăng trưởng nguồn nhân lực (quy mô nhóm dân số trong độ tuổi lao động). Khi một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, số người bước vào độ tuổi lao động thường lớn hơn nhiều so với số người bước ra khỏi độ tuổi lao động.
Mức chênh lệch giữa hai nhóm này sẽ giảm dần khi các quốc gia bước vào thời kỳ già hóa dân số. Khi tỷ lệ này xuống quá thấp, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động cho phát triển kinh tế, đặc biệt đối với phát triển công nghiệp và dịch vụ. Từ đó sẽ gây tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa. Thách thức lớn nhất đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội là làm thế nào để thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm sinh kế cho 15-20 triệu người già
Tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các ngành.
Bộ Y tế kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác dân số.
Bộ Y tế cũng đề nghị y tế các địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, chú trọng tổ chức khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên để phòng ngừa bệnh di truyền và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhằm bảo vệ đa dạng di truyền.
Các chương trình tuyên truyền cần tập trung khuyến khích sinh đủ hai con, thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật, kết hợp tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý trước sinh, sơ sinh, nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Thái Tuyền (Nguồn Báo Sức khỏe&Đời sống)