BỔ SUNG VITAMIN A ĐỂ TRẺ CAO LỚN VÀ KHỎE MẠNH

 

Vitamin A là một vitamin tan trong dầu, tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Thiếu vitamin A là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm tại các nước đang phát triển, có thể dẫn đến mù lòa, đặc biệt là quáng gà và bệnh khô mắt ở trẻ em.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, toàn cầu có khoảng 190 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A, chủ yếu tại các nước Đông Nam Á và châu Phi cận Sahara. Tại Việt Nam, báo cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2020 cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ 6-59 tháng tuổi là 9,5%, có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở mức độ nhẹ, tỷ lệ này còn cao ở các vùng miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây Nguyên (11,0%). Thời gian qua, các chiến dịch bổ sung vitamin A đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu vitamin A vào năm 2000.

Vai trò của vitamin A và tác hại của thiếu vitamin A

Vitamin A rất cần cho chức năng nhìn, thiếu vitamin A sẽ gây hiện tượng quáng gà (trẻ không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu). Bên cạnh đó, nếu thiếu vitamin A ở mức nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Vitamin A có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của trẻ. Khi bị thiếu vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi.

Vitamin A có vai trò biệt hóa tế bào. Khi thiếu vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hoá, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hoá.

Vitamin A có vai trò miễn dịch. Do đó, việc thiếu vitamin A dẫn đến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thường kéo dài hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin A

Vitamin A rất cần thiết nhưng cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được mà phải cung cấp từ bên ngoài vào, thông qua thức ăn hoặc thuốc. Nguyên nhân gây thiếu vitamin A:

Do khẩu phần ăn thiếu vitamin A và tiền vitamin A. Trẻ không được bú mẹ hoặc bú mẹ không đúng cách.

Cơ thể người bệnh tăng sử dụng vitamin A khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp…).

Do giảm khả năng hấp thu vitamin A: chế độ ăn ít hoặc không có dầu mỡ, mắc các bệnh lý làm giảm hấp thu vitamin A...

Cách phòng ngừa thiếu vitamin A

Để phòng ngừa thiếu vitamin A, mỗi người, bên cạnh việc uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), giải pháp lâu dài và cơ bản là mỗi gia đình hãy chú ý thực hiện theo các khuyến cáo sau:

Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.

Các gia đình cần cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường, thị trấn./.

Thái Tuyền – Ninh Thu (Nguồn Báo Sức khỏe & Đời sống)