MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CAN THIỆP DINH DƯỠNG TRONG TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP.

 

Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp là một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, bao gồm chính phủ, các tổ chức nhân đạo, chuyên gia y tế và cộng đồng.

Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp là việc tổ chức, cung cấp thực phẩm phù hợp, đầy đủ, hỗ trợ dinh dưỡng cho các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng như thiên tai, dịch bệnh, xung đột vũ trang, nhằm ngăn ngừa, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe toàn diện và giảm nguy cơ mắc bệnh ở những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp.

Việc can thiệp dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp dựa trên các đánh giá, phân tích tình hình và cần phải có sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, các tổ chức, chuyên gia y tế và cộng đồng. Ưu tiên các can thiệp có tính chất sống còn, có thể triển khai trong điều kiện hạn chế. Sau đây là một số hoạt động can thiệp để phòng và điều trị thiếu dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp tại cộng đồng:     

1. Nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Nuôi dưỡng trẻ nhỏ (NDTN) trong tình huống khẩn cấp là thuật từ dùng để nói đến những can thiệp nhằm bảo vệ và hỗ trợ nuôi dưỡng một cách tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong các tình huống khẩn cấp. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu hơn so với người trưởng thành, việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho các đối tượng này là điều vô cùng thiết yếu. Các hoạt động cần thực hiện gồm: thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, hỗ trợ người mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cường khả năng tiếp cận các thực phẩm bổ sung an toàn, phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần quản lý việc nhận hàng cứu trợ và cấp phát sữa thay thế sữa mẹ theo đúng quy định, đúng đối tượng để tránh làm tổn hại thực hành nuôi con bằng sữa mẹ. Những thay đổi về mặt chỗ ở, tập trung đông dân cư, thiếu ăn, nước sạch và vệ sinh thiếu, thiếu người chăm sóc, …đều là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của bà mẹ và gia đình để có thể chăm sóc và cho trẻ nhỏ ăn. 

2.  Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bệnh

Khi bị bệnh, trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Nếu trẻ không được cung cấp thêm dinh dưỡng thì trẻ sẽ giảm cân, gầy yếu và chậm lớn. Vì vậy, trẻ bệnh cần được bổ sung thêm dinh dưỡng. Trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt lưu ý đến các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp) do điều kiện vệ sinh  kém, ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.
Khi trẻ bị bệnh cần  chú ý những điểm  sau:   

  • Kiên trì, khuyến khích trẻ ăn, uống
  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít
  • Cho ăn thức ăn trẻ thích
  • Đa dạng bữa ăn, thức ăn giàu dinh dưỡng
  • Tiếp tục cho bú mẹ, trẻ bệnh thường hay bú mẹ nhiều hơn

3. Quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính

Bệnh suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây tình trạng trẻ bị giảm cân nhanh (gầy mòn) hoặc bị phù. Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cao gấp từ 5-20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi. SDD cấp tính ở trẻ em thường tăng cao trong tình huống khẩn cấp do thiếu ăn và mắc các bệnh nhiễm khuẩn vì vậy cần phát hiện và điều trị kịp thời. Cần đảm bảo độ baon phủ và tiếp cận tối đa cho các đối tượng nguy cơ.

4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho đối tượng nguy cơ

Nguyên nhân chính của thiếu vi chất dinh dưỡng(VCDD) là chế độ ăn thiếu các vitamin và khoáng chất. Trong tình huống khẩn cấp, mùa màng và sinh kế bị mất, nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Các khẩu phần thực phẩm hỗ trợ thường không đáp ứng được tiêu chuẩn. Nhiễm khuẩn (đặc biệt là tiêu chảy) là nguyên nhân bổ sung và quan trọng của thiếu VCDD và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Những loại thiếu vi chất thường gặp là thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamin A và I ốt, Vitamin B1, B2, B3, C …

5.Thực hành vệ sinh

Nước sạch và đảm bảo vệ sinh là yếu tố cơ bản hàng đầu đối với sự sống còn trong tình trạng khẩn cấp. Những người thuộc khu vực bị thảm họa thường dễ bị bệnh và chết bởi các bệnh truyền nhiễm do tình trạng mất vệ sinh, không đủ nước sạch và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo đảm việc sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn sẽ mang lại tác động lớn nhất đối với sức khỏe của người dân.

6Hỗ trợ thực phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm

Việc hỗ trợ thực phẩm nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người dân để cung cấp đủ năng lượng cho họ, giúp cho các cá nhân, cộng đồng ngăn ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng, hỗ trợ hoạt động thể chất và duy trì sức khỏe. Ngoài ra cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm để tránh xảy ra các vụ ngộ độc gây ra các dịch bệnh nguy hiểm đến tính mạng người dân.

7. Thực hiện truyền thông giáo dục về dinh dưỡng

Thực hiện cung cấp các kiến thức giáo dục về dinh dưỡng truyền thông thay đổi hành vi, phổ biến nhanh thông tin và các thông điệp liên quan sức khỏe đến các nhóm đối tượng trong thời gian diễn ra các vấn đề dinh dưỡng khẩn cấp. Mục tiêu là tạo dựng niềm tin cho cộng đồng, giúp người dân biết cách và có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng.

Thực hiện can thiệp dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp là một hoạt động cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành đoàn thể, các tổ chức cùng chung tay. Với ưu tiên hàng đầu của việc ứng phó về dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp là phòng tử vong do đói và bệnh tật. /. 

Kim Cúc