LÂM ĐỒNG CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG

DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

 

          Mùa mưa đến thường là lúc muỗi phát triển sinh sôi nảy nở, cũng thường là lúc chúng ta dễ mắc sốt xuất huyết, nhất là trẻ em. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Hiện này, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có diễn biến bất thường: Số mắc vẫn tăng cao sau mùa dịch năm 2023, cao ngay trong những tháng mùa khô và có thể tiếp tục tăng trong những tháng mùa mưa và typ virus lưu hành tại tỉnh là Den-2 chủng có độc lực cao. Theo ghi nhận, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao liên tiếp trong 02 năm 2022 và 2023, số ca mắc chưa giảm nhiều trong những tuần cuối năm 2023 và có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng đầu năm 2024, một số huyện có số ca mắc tăng trở lại như huyện Đạ Tẻh, Lâm Hà. Diễn biến ca bệnh những tuần đầu năm 2024 tương đối giống với năm 2023, chưa có sự thay đổi nhiều. Những tuần đầu năm 2024, các huyện Di Linh, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lâm Hà tiếp tục là những điểm nóng SXH của tỉnh.

Tính đến ngày 04/3/2024, tổng số ca sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024 là 401 ca, tăng 34 ca so với cùng kỳ năm 2023 (367 ca), trong những tuần đầu năm 2024, tình hình bệnh SXH vẫn tiếp tục tăng, số ca vẫn duy trì ở mức cao ở một số huyện như Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã xử l‎ý 1.321 ổ dịch, trong đó xử l‎ý bằng phương pháp diệt lăng quăng là 952 ổ dịch; Tuy nhiên Hoạt động diệt lăng quăng trong chiến dịch chưa được thực hiện triệt để và không duy trì được hoạt động diệt lăng quăng tại nhà sau can thiệp.

Tính đến tuần 08/2024, tổng số ổ dịch được xử l‎ý là 107 ổ dịch, số ổ dịch được xử l‎ý bằng hình thức phun hóa chất tăng so với năm 2023. Nhận định tình hình bệnh sốt xuất huyết trong sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, nếu không có những biện pháp xử lý các ổ dịch sớm trong những tháng đầu năm, nguy cơ bùng dịch lớn trong những tháng cao điểm (từ tháng 6 đến tháng 11) là rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng can thiệp các điểm nóng/nguy cơ cao trên địa bàn; Theo dõi sát tình hình bệnh SXHD để kịp thời phát hiện những khu vực nguy có nguy cơ dịch lây lan rộng, cũng như xác định những nơi dịch dai dẳng để có chỉ định can thiệp xử lý diện rộng sớm và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chống dịch SXHD phiên bản 2.0 do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh ban hành năm 2018.

 

Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết

Triển khai xử lý ổ dịch bằng phương pháp phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng tại các địa điểm có thể áp dụng hình thức phun hóa chất (không phải khu trồng dâu, nuôi tằm) để tăng hiệu quả khống chế sự lây lan của bệnh SXH.

Triển khai diệt lăng quăng triệt để, hiệu quả tại các ổ dịch, các địa điểm tập trung đông người, các vùng nguy cơ không thể can thiệp bằng phun hóa chất diệt muỗi như khu vực trồng dâu nuôi tằm. Xác định đúng các điểm nguy cơ, vật chứa nguy cơ có lăng quăng theo từng khu vực để đưa ra biện pháp xử lý véc tơ phù hợp và mở rộng quy mô tìm kiếm ổ lăng quăng tại khu vực can thiệp bao gồm các khu vực công cộng như cơ quan, xí nghiệp, trường học, bến xe, chợ, các nơi tập trung đông người, bệnh viện…

Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo xử lý triệt để lăng quăng tại các khu nhà trọ, nơi công cộng tập trung đông người và nơi có nhiều ổ lăng quăng.

 

Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, loại bỏ hết các dụng cụ chứa nước  không để   muỗi trú ngụ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Hiện mùa mưa sắp đến, là điều kiện rất thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển. Ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động nhưng để phòng chống SXH hiệu quả nhất thì mỗi người dân phải tự ý thức trong việc vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, không để môi trường cho muỗi trú ngụ, loại bỏ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết, Hàng tuần mỗi hộ gia đình dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, người mắc SXH có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh SXH hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó mỗi người dân cần thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng, chống dịch. Đồng thời, khi có biểu hiện mắc SXH như: sốt cao, sốt đột ngột, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da và chảy máu cam, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

BS Đặng Văn Huyên – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)